Thống kê trong năm 2023, tổng diện tích sầu riêng toàn tỉnh 20.363,5 ha, bao gồm diện tích trồng thuần 12.649 ha, trồng xen 7.714,5 ha. Trong đó, diện tích ở giai đoạn kinh doanh 10.844 ha, sản lượng thu hoạch gần 124.000 tấn. Phân bổ diện tích vùng trồng sầu riêng tập trung nhiều nhất tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai và Đạ Tẻh với 13.965 ha (sản lượng 84.298 tấn), chiếm 68,6% diện tích và 68% tổng sản lượng toàn tỉnh. Cụ thể sản xuất sầu riêng chủ lực với diện tích và sản lượng tương ứng ở huyện Đạ Huoai (5.874 ha, hơn 45.278 tấn); huyện Di Linh (5.719 ha, 23.804 tấn); huyện Bảo Lâm (2.371 ha, 15.215 tấn). So sánh trên toàn tỉnh Lâm Đồng thì tỷ lệ diện tích và sản lượng sầu riêng của 3 huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm chiếm lần lượt 28,8%, 36,5%; 28,1%, 19,2% và 11,6%, 12,3%.
Quy trình canh tác sầu riêng toàn tỉnh Lâm Đồng ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm hơn 7.000 ha; chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 500 ha. Đặc biệt tại xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai vào năm 2021, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao với diện tích 300 ha. Cơ cấu giống sầu riêng toàn tỉnh Lâm Đồng đến nay chủ lực Dona, Ri 6. Thời gian thu hoạch sầu riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng kéo dài đến 6 tháng rưỡi trong năm. Như hàng năm tại 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên thu hoạch từ 15/4 -30/7 (cao điểm từ ngày 15/5 – 30/6) trùng với thời điểm thu hoạch chính vụ của Thái Lan các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ của Việt Nam. TP Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông thu hoạch từ 15/8-15/11 (cao điểm từ 20/9 – 30/10) trùng với thời điểm thu hoạch của các tỉnh khác trong vùng Tây Nguyên.
“Trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng có 23 doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông dân sản xuất, bao tiêu sản lượng sầu riêng thu hoạch hàng năm. Trong đó phần lớn cung ứng thị trường sầu riêng tươi (chiếm 88,8% tổng sản lượng sầu riêng toàn tỉnh, tương đương với 110.042 tấn). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chế biến dạng bóc múi và cấp đông, điển hình như Công ty TNHH TMSX Long Thủy; Công ty TNHH B’lao Food; Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng… với công suất 13.932 tấn tươi/năm (chiếm 11,2% tổng sản lượng sầu riêng toàn tỉnh)…”, theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Hữu Long – Giám đốc Công ty TNHH Long Thủy cho biết, trong năm 2023, công ty đầu tư nhà xưởng sơ chế, chế biến, đóng gói sầu riêng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ theo quy trình khép kín tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm. Cụ thể Công ty Long Thủy bố trí các khu vực chức năng gồm: 7.000 m2 nhà xưởng sơ chế, đóng gói sản phẩm sầu riêng tươi; 2.000 m2 nhà xưởng bóc múi, cấp đông sầu riêng; 2.000 m2 cất trữ sầu riêng tươi trước khi đưa vào cấp đông. “Trong năm 2023, công ty chúng tôi thông qua 15 hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với 195 nông hộ sản xuất và bao tiêu khoảng 12.000 tấn sầu riêng tại các vùng trồng Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên… Trong đó sơ chế, xuất khẩu 8.000 tấn, tiêu thụ trong nước 4.000 tấn. Bên cạnh đó, Long Thủy còn chế biến, cấp đông múi sầu riêng tiêu thụ trong nước với hơn 6.000 tấn nguyên liệu…”, ông Long cho biết thêm.
Để phát huy lợi thế sản lượng và chất lượng sầu riêng Lâm Đồng xuất khẩu nói trên, Công ty TNHH Long Thủy đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, các hợp tác xã, tổ hợp tác tổ chức tập huấn cho nông hộ liên kết về nâng cao kỹ thuật canh tác, thu hoạch sầu riêng sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo yêu cầu. Mở rộng toàn tỉnh trong năm 2023 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã tổ chức 81 lớp tập huấn tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng trên địa bàn, thu hút gần 2.500 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn 150 đại biểu Hội Nông dân cơ sở thuộc 12 huyện, thành phố trên địa bàn. Nội dung tập huấn tập trung các chuyên đề quản lý sản xuất, kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật gắn với tiêu thụ sầu riêng.
Kết quả đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã được cấp 114 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 5.490 ha (chiếm 60,2% tổng diện tích kinh doanh trồng thuần) và 10 cơ sở đóng gói sầu riêng với tổng diện tích nhà xưởng 13.419 m2. Đồng thời hoàn thành 47 hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 1.891 ha và 12 cơ sở đóng gói sầu riêng với diện tích 13.150 m2 trên địa bàn.
Báo Lâm Đồng