Lộ trình hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN đến 2025 ngành Công Thương (giai đoạn 2018-2020)

Thực hiện Lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương đến năm 2025 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành kèm theo Quyết định số 3263/QĐ-BCT ngày 07 tháng 9 năm 2018 (sau đây gọi tắt là Lộ trình), Bộ Công Thương đã tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ tất cả các nhóm giải pháp đã được nêu trong Lộ trình.

Đối với công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, căn cứ vào mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ trong Lộ trình đã phê duyệt, đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu quản lý nhà nước đối với sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, năm 2019, Vụ khoa học công nghệ đã chủ trì, phối hợp và đôn đốc các đơn vị đầu mối như Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Cục Hóa chất, Vụ Thị trường trong nước tổ chức việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo quy chuẩn Việt Nam (QCVN) phục vụ hoạt động kiểm tra chuyên ngành và công tác quản lý của Bộ Công Thương.

Theo đó, trong năm 2019, các đơn vị đã hoàn thành xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành 04 QCVN; đã xây dựng xong 03 QCVN và chuyển Bộ, ngành khác ban hành theo thẩm quyền; 01 QCVN đã xây dựng xong và đang chờ thẩm định, trình ban hành. Năm 2020, tổng số QCVN phải hoàn thành xây dựng là 29 QCVN. Trong đó, bao gồm một số QCVN được gia hạn nghiên cứu từ 2019, một số QCVN giao mới.

Về tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Vụ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các TCVN cho các tổ chức khoa học thuộc Bộ và các đơn vị liên quan. Các đề xuất xây dựng TCVN này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và đưa vào Kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm để triển khai và công bố áp dụng sau khi được xây dựng, thẩm định theo quy định. Tính đến cuối năm 2020, phần lớn các nhiệm vụ đã hoàn thành và được nghiệm thu kết quả đạt, một số nhiệm vụ đã chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố.

Để công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có chất lượng, thực sự đáp ứng được yêu cầu, phù hợp với quy định hiện hành và dần dần tiệm cận với phương thức, năng lực xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo thông lệ quốc tế, việc phát triển mạng lưới, tăng cường năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu, đổi mới công tác thông tin, phổ biến, hướng dẫn, báo cáo tình hình áp dụng về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương đã được tăng cường và đẩy mạnh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ và giải pháp được quy định trong Lộ trình ban hành kèm theo Quyết định số 3263/QĐ-BCT.

Triển khai nhiệm vụ này, Vụ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, đầu mối và đề xuất Lãnh đạo Bộ:

– Cử 36 chuyên gia tham gia ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ; 02 chuyên gia tham gia Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế của ISO về cao su thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; cử cán bộ, chuyên gia thuộc Bộ Công Thương tham gia các khóa đào tạo về nghiệp vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức; cử cán bộ, chuyên gia thuộc Bộ Công Thương tham gia các khóa đào tạo về tiêu chuẩn hóa hoặc chuyên ngành ở nước ngoài theo thư mời của các tổ chức quốc tế, khu vực, nước ngoài.

– Cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương trên website của Bộ Công Thương. Đồng thời, phổ biến các nội dung liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật từ giai đoạn lập kế hoạch, xây dựng dự thảo, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi dự thảo TCVN, QCVN đến khi ban hành để đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho công tác tra cứu, áp dụng của các tổ chức, cá nhân.

Đánh giá chung về kết quả thực hiện: tính đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) bao gồm trên 12.000 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài là 54%. Số lượng TCVN ngành Công Thương khoảng 3.931 TCVN, chiếm 34% tổng số TCVN. Tổng số QCVN do các Bộ, ngành xây dựng khoảng hơn 700 QCVN. Trong đó, QCVN của Bộ Công Thương là 47 QCVN, chiếm khoảng 7%.

Việc xây dựng ban hành các TCVN, QCVN đã giúp cho công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả hơn và đóng góp rất lớn vào mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với vai trò, lợi ích của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và xu hướng, thông lệ quốc tế trong việc sử dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là công cụ và căn cứ khoa học phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát an toàn, vệ sinh, môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật đã nêu trong các Hiệp định thương mại đa phương, song phương.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương theo hướng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu công tác kiểm tra chuyên ngành, quản lý nhà nước về an toàn và chất lượng sản phẩm hàng hóa của ngành Công Thương góp phần quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại và thiết lập rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, đảm bảo chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh; ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người, trong thời gian tới Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ thực hiện các công việc sau:

– Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng các Dự thảo QCVN đã được giao nghiên cứu, xây dựng.

– Tổ chức thẩm tra các Dự thảo TCVN đã được nghiệm thu kết quả nghiên cứu để chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố áp dụng (theo Kế hoạch đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt hằng năm).

– Nghiên cứu, rà soát và xây dựng kế hoạch triển khai, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp các cam kết quốc tế trong Hiệp định CPTPP, EVFTA … để hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian tới (ngoài những TCVN, QCVN đã được xác định trong Lộ trình ban hành kèm theo Quyết định số 3263/QĐ-BCT ngày 07 tháng 9 năm 2018). Nhiệm vụ này đã được Bộ trưởng phê duyệt tại Quyết định số 2364/QĐ-BCT ngày 06/8/2019 về việc phê duyệt nhiệm vụ cụ thể và kinh phí triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP trong giai đoạn 2020-2025 của Bộ Công Thương.

– Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và đào tạo nghiệp vụ cho các đối tượng liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thông qua các kênh truyền thông và khóa đào tạo, hội nghị, hội thảo.

Theo Tạp chí Công thương

 

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo