Giá khí đốt tăng mạnh trở lại
Thị trường năng lượng toàn cầu sẽ chịu tác động mạnh nếu như căng thẳng giữa Nga và Ukraine chuyển thành xung đột. Hiện tại châu Âu đang phụ thuộc khoảng 35% nguồn cung khí đốt từ Nga và Ukraine đóng vai trò quan trọng trong việc trung chuyển nguồn khí đốt từ Nga sang châu Âu. Đồng thời, lượng dự trữ khí đốt tại nhiều quốc gia châu Âu hiện ở mức thấp hơn đáng kể so với mức trung bình vào cùng thời điểm này trong 5 năm trở lại đây.
Dữ liệu cho thấy sản lượng khí đốt đi qua vùng Velke Kapusany (Slovakia) – khu vực phân phối khí đốt đến các nước châu Âu sau khi được chuyển từ Nga đến Ukraine, đã giảm đến 70% trong những ngày gần đây. Trong năm ngoái, sự gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga trong khi nhu cầu sử dụng tăng mạnh đã đẩy giá khí đốt tại châu Âu tăng lên mức cao kỷ lục.
Hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga có thể đối mặt các biện pháp trừng phạt nếu như nước này nổ ra xung đột với Ukraine. Chính phủ Đức cho biết có thể dừng việc vận hành đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức. Nord Stream 2 đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường nguồn cung khí đốt cho khu vực châu Âu nhưng cũng là tâm điểm của các quốc gia châu Âu trong việc gây sức ép lên chính sách đối ngoại của Nga.
Chuyên gia phân tích thị trường hàng hoá Bjarne Schieldrop thuộc tập đoàn tài chính SEB (Pháp) nhận định giá khí đốt hoàn toàn có khả năng tăng trở lại mức cao kỷ lục như hồi quý 4/2021 nếu như nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạt.
Giá dầu thô cũng được dự báo sẽ gia tăng mạnh trong trường hợp xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra do rủi ro suy yếu nguồn cung từ Nga. Hiện tại Nga cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc gia tăng sản lượng khai thác theo mục tiêu được phân bổ bởi liên minh OPEC+. Một số hãng khai thác dầu lớn nhất Nga, gồm Rosneft PJSC, Lukoil PJSC và Gazprom Neft PJSC, cho biết đã triển khai hết phần công suất dự phòng.
Ngay cả khi chưa tính đến rủi ro xung đột giữa Nga và Ukraine, nhiều tổ chức kinh tế đã dự báo giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay do tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Ngân hàng đầu tư JPMorgan (Hoa Kỳ) cảnh báo nếu như giá dầu thô tăng lên 150 USD/thùng thì mức tăng trưởng GDP toàn cầu trong nửa đầu năm 2022 xuống chỉ 0,9%, và lạm phát tăng gấp đôi lên mức 7,2%.
Xáo trộn dòng chảy ngũ cốc toàn cầu
Dòng chảy ngũ cốc trên toàn cầu cũng sẽ bị xáo trộn đáng kể nếu như xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra. Dữ liệu của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế cho thấy Ukraine sẽ là quốc gia xuất khẩu ngô lớn thứ ba thế giới và quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ tư thế giới trong niên vụ 2021/2022. Trong khi đó, Nga hiện là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
Diễn biến giá lúa mì và diễn biến chỉ số giá lương thực của FAO trong 10 năm trở lại đây (Đồ hoạ: Reuters)
Chiến lược gia Dominic Schnider thuộc ngân hàng UBS (Thuỵ Sĩ) cho biết “Sự gia tăng rủi ro địa chính trị tại khu vực Biển Đen trong thời gian gần đây có thể ảnh hưởng đến giá lúa mì trong thời gian tới”.
Sự gián đoạn nguồn cung ngũ cốc từ Nga, Ukraine và các quốc gia quanh khu vực Biển Đen sẽ đẩy giá lương thực trên toàn cầu tăng cao hơn nữa, kéo theo đó là sự gia tăng của lạm phát. Giá lương thực hiện được xem là mối quan tâm lớn thứ 2 tại nhiều quốc gia, chỉ sau những thiệt hại về kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong năm 2021, giá lương thực, thực phẩm thế giới đã tăng 28% và xu hướng tăng này được dự báo sẽ chưa sớm hạ nhiệt. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) trong năm 2021 đạt trung bình 125,7 điểm, cao nhất kể từ năm 2011.
Theo Tạp chí Công thương