Lần đầu tiên công bố báo cáo thường niên về FDI

Lần đầu tiên công bố báo cáo thường niên về FDI ảnh 1

Lần đầu tiên công bố báo cáo thường niên về FDI ảnh 1GS-TSKH Nguyễn Mại nêu rõ, Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực

Ngày 10-5, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã lần đầu tiên chính thức công bố báo cáo thường niên về FDI năm 2021. Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực.

Được xây dựng theo cách tiếp cận như báo cáo thường niên của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD) và báo cáo thường niên FDI ASEAN của Ban thư ký ASEAN và UNCTAD, bản báo cáo đã đánh giá toàn diện kết quả thu hút, sử dụng vốn FDI, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp FDI trong năm qua; đồng thời kiến nghị với nhà nước định hướng, chính sách, luật pháp.

Tại lễ công bố, Chủ tịch VAFIE, GS-TSKH Nguyễn Mại (chủ biên báo cáo) nêu rõ, Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số các nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI qua nhiều năm”.

Ông Nguyễn Mại nhấn mạnh, 31,15 tỷ USD vốn đăng ký vào Việt Nam đạt được trong năm 2021, tăng 9,2% so với năm 2020. Tuy nhiên, vốn thực hiện năm 2021 đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020.

Vẫn theo báo cáo, các địa phương thu hút nhiều vốn FDI mới là Long An, Cần Thơ, Bắc Ninh và Quảng Ninh.

Đáng lưu ý, đầu tư mới chiếm tỷ trọng tới 99% năm 2020 và 93,1% trong năm 2021 trong tổng vốn đăng ký vào lĩnh vực chế tạo, phân phối điện, khí, cấp nước và điều hòa.

Trong khi đó, số lượt điều chỉnh tăng vốn giảm, nhưng lượng vốn lại tăng cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ trọng trong tổng vốn đăng ký của cả 3 năm. Năm 2019 là 15,3%, năm 2020 là 22,5% và năm 2021 là 28,9%, chứng tỏ môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù vậy, GS-TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh, số dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 5%; FDI chủ yếu tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp để tận dụng chi phí lao động rẻ, hưởng ưu đãi đầu tư.

Số lượng doanh nghiệp FDI thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) còn ít; hiệu quả kinh tế của nhiều doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với quy mô vốn, năng lực và những ưu đãi đầu tư được hưởng… Tình trạng chuyển giá, trốn thuế vẫn tồn tại.

“Mục tiêu về số lượng như đã nêu trong Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị (sau đó Chính phủ ban hành chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết này – PV), hoàn toàn có thể thực hiện được, song mục tiêu về chất lượng khó thực hiện, nhất là về thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ 4.0, FDI xanh…”, ông Nguyễn Mại nhận định.

Từ đó, báo cáo thường niên FDI năm 2021 đã đề xuất 3 giải pháp quan trọng, bao gồm hoàn thiện thể chế, luật pháp có liên quan đến FDI; nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng FDI; nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước về FDI.

Đến nay, khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; hơn 70% kim ngạch xuất khẩu; tạo việc làm trực tiếp cho 4,6 triệu người và hàng triệu lao động gián tiếp khác…

Theo SGGPO

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo