(VNF) – Chỉ số Niềm tin Kinh doanh tại Việt Nam (BCI) đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm qua khi tăng vọt lên trên 60 điểm, theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam).
Ngày 8/1, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) đã công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý IV/2024 với nhiều thông tin tích cực.
Theo đó, Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) đã tăng vọt từ 46,3 trong quý IV/2023 lên 61,8 trong quý IV/2024, phản ánh tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về triển vọng kinh tế của Việt Nam.
Trong suốt 2 năm qua, BCI chủ yếu dao động quanh mức trung lập là 50, thậm chí có lúc còn giảm xuống dưới ngưỡng này. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi chỉ số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2022.
Theo kết quả khảo sát, 42% người tham gia cho biết họ cảm thấy tích cực về tình hình kinh doanh hiện tại, trong khi 47% kỳ vọng điều kiện kinh doanh sẽ tiếp tục lạc quan trong quý tiếp theo.
Đáng chú ý, 56% dự báo sự cải thiện trong triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2025.
Các đánh giá của doanh nghiệp về nền kinh tế đã có sự chuyển biến rõ rệt từ trạng thái trung lập sang hướng tích cực hơn trong quý IV, với tỷ lệ phần trăm đánh giá trung lập giảm đáng kể (-5%) và tiêu cực cũng giảm sâu hơn (-9%), nhường chỗ cho sự gia tăng đáng kể trong các kỳ vọng tích cực hơn (+14%).
Các đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong quý IV được thúc đẩy nhờ điều kiện thị trường tích cực và các chính sách của chính phủ, theo EuroCham.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát đã nhận định “chuyển đổi kép” – quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh – đóng vai trò quan trọng cho những đánh giá tích cực. Các doanh nghiệp nắm bắt những xu hướng này đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, với một số doanh nghiệp thậm chí báo cáo mức tăng trưởng doanh thu lên tới 40% so với năm trước.
Ngoài ra, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng được các doanh nghiệp châu Âu đánh giá là một yếu tố tích cực.
Người tham gia khảo sát cũng có cái nhìn tích cực hơn về tương lai, với gần một nửa (47%) dự đoán triển vọng kinh doanh “Tốt” hoặc “Xuất sắc” cho quý I/2025.
“Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các doanh nghiệp châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam. Sự gia tăng rõ rệt về niềm tin này phản ánh sự công nhận rộng rãi về quá trình chuyển đổi chính trị và kinh tế của đất nước trong suốt những năm qua.
GDP của đất nước vẫn tiếp tục trên đà tăng trưởng càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong thương mại và đầu tư khu vực Đông Nam Á”, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết.
Điểm đến hấp dẫn cho dòng FDI
Cũng trong báo cáo BCI quý IV/2024, EuroCham nhận định Việt Nam ngày càng củng cố vị thế của mình như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 75% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng quốc gia này sẽ tiếp tục là lựa chọn ưu tiên cho các dự án đầu tư.
“Thống kê từ khảo sát cho thấy các doanh nghiệp châu Âu ngày càng đánh giá tích cực về Việt Nam như một điểm hút các dự án đầu tư nước ngoài” – ông Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab nhận định.
“Theo đó, phần lớn các doanh nghiệp đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Khoảng 1 trong 4 doanh nghiệp cho biết họ đang cân nhắc hợp tác với các nhà máy sản xuất hoặc nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam, trong khi hơn 1/5 số doanh nghiệp tham gia khảo sát mong muốn mở rộng sự hiện diện của mình tại quốc gia này.
Thêm vào đó, 30% các doanh nghiệp khác dự định tăng cường các hoạt động nhập khẩu/xuất khẩu và/hoặc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng những lợi thế thương mại mà quốc gia này mang lại. Động thái này phù hợp với xu hướng chuyển dịch thương mại toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các gián đoạn gần đây đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Thue Quist cho biết.
Mặc dù có tiềm năng to lớn, song các doanh nghiệp châu Âu vẫn cho rằng gánh nặng hành chính, sự kém hiệu quả trong các quy trình và thủ tục visa là những tồn tại cần giải quyết để thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi được nhấn mạnh là yếu tố then chốt để nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.
“Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng. Những khó khăn hành chính kéo dài này đang thử thách hoạt động kinh doanh, nhưng chúng tôi vẫn lạc quan về quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi hơn. Các nỗ lực như đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đang cho thấy triển vọng tích cực”, Chủ tịch EuroCham Jaspaert nhận xét.
Liên quan đến kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ Việt Nam, các thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam kỳ vọng đến những lợi ích lâu dài, đặc biệt là thông qua việc tinh giản quy trình và việc chuyển sang nộp hồ sơ và phê duyệt kỹ thuật số.
Theo Tạp Chí Điện Tử Đầu Tư Tài Chính