Khẳng định vị thế Việt Nam

Theo Nikkei Asia, các nhà cung cấp của Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở Việt Nam – đây là lần đầu hoạt động này diễn ra bên ngoài Trung Quốc.

Apple cũng đang đàm phán và thử nghiệm để lần đầu tiên sản xuất máy tính xách tay MacBook tại Việt Nam. Cũng theo Nikkei Asia, Apple cũng đang đàm phán với các nhà cung cấp để xây dựng dây chuyền sản xuất thử nghiệm cho loa thông minh HomePod tại Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa Việt Nam đã là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc, sau khi đã trở thành nơi sản xuất máy tính bảng iPad và tai nghe AirPods.

Các chuyên gia cho rằng, những động thái của Apple đánh dấu thắng lợi mới cho Việt Nam trong quá trình thu hút đầu tư, nhất là công nghệ cao, trong bối cảnh “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa nơi sản xuất ngoài Trung Quốc. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung nổ ra dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, chủ trương “Zero Covid” của Trung Quốc đã gây ra sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu của Apple. Trong 2 năm qua, Apple đã đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất sang Ấn Độ và Việt Nam, nhằm tránh phụ thuộc vào chuỗi sản xuất ở Trung Quốc. Những sản phẩm iPad và AirPods phân phối toàn cầu được sản xuất ở Việt Nam trong 2 năm qua là ví dụ điển hình. Với Việt Nam, sự thay đổi chiến lược này của Apple mang lại nhiều lợi ích. Bên cạnh nguồn thu thuế sản xuất – kinh doanh, các công ty công nghệ thế giới sẽ “theo chân” Apple về Việt Nam, nhằm đáp ứng chuỗi cung ứng linh kiện, sản phẩm đi kèm. Từ đó, Việt Nam sẽ có cơ hội “tiếp thu và học hỏi” những quy trình sản xuất, công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới. Theo Nikkei Asia, danh sách các nhà cung cấp linh kiện cho Apple có cơ sở tại Việt Nam đã tăng từ 14 công ty vào năm 2018 lên ít nhất 22 công ty đến thời điểm này. Đó là điều mà không phải quốc gia nào ngoài Trung Quốc cũng làm được trong nhiều năm qua.

Theo Bộ TT-TT, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 72,5 tỷ USD, tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng – điện tử ước đạt 57 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu máy tính ước đạt 29,1 tỷ USD và xuất khẩu điện thoại ước đạt 27,9 tỷ USD. Tỷ lệ giá trị “Make in Vietnam” trong cơ cấu doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt 26,72% với trị giá ước đạt khoảng 19,4 tỷ USD. Những con số này có sự đóng góp rất lớn của các đại gia công nghệ quốc tế như Samsung, Apple. Sự ổn định về chính trị; chính sách phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, cởi mở; nguồn nhân lực trẻ có chất lượng và dồi dào; giá nhân công ở mức trung bình… là những yếu tố quan trọng tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Sự hiện diện các tổ hợp sản xuất những sản phẩm công nghệ cao của Apple, Samsung, Dell, Google, LG, Panasonic… ở Việt Nam trong những năm gần đây khẳng định điều đó, đồng thời góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo SGGPO

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo