Hậu Giang cần nghiên cứu có những công trình kiến trúc đặc sắc để tạo điểm nhấn

Đô thị mới Vị Thanh có kiến trúc hiện đại.

Trong chuyến công tác tại 5 tỉnh ĐBSCL mới đây, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam – TS. KTS. Phan Đăng Sơn (ảnh) đã có buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang. Qua đó, gợi mở nhiều vấn đề về việc triển khai các chính sách, pháp luật của Đảng và Chính phủ trong lĩnh vực kiến trúc tại địa phương. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với TS. KTS. Phan Đăng Sơn về vấn đền này.

Luật Kiến trúc có 5 nội dung rất quan trọng. Ông đánh giá thế nào về việc triển khai thực hiện ở các địa phương, trong đó có tỉnh Hậu Giang ?

– Hiện nay, chúng ta mới thực hiện được 1 trong 5 nội dung đó là nội dung hành nghề. Về các vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề, chúng ta thực hiện tương đối rõ ràng và có hiệu quả.

Còn 4 nội dung, các địa phương khá lúng túng và có những cách nhìn khác nhau và vướng mắc. Đó là nội dung quản lý các công trình kiến trúc có giá trị, nhiều địa phương quản lý công trình này công tác thống kê, đánh giá, quản lý quan điểm khác nhau. Cho nên khi phát triển các đô thị, thành phố trong mỗi địa phương thì chúng ta lại lãng phí các khu đất vàng. Cần chú ý để chúng ta đánh giá thực chất là công trình kiến trúc có giá trị và kết hợp với công trình mang tính di tích lịch sử, để giữ lại những gì quý giá nhất và thật sự có ý nghĩa còn lại chúng ta có bài toán là kế tục và thay thế.

Thứ hai là việc ban hành và thực hiện quy chế quản lý kiến trúc tại các địa phương, hiện nay là một vấn đề rất vướng. Tức là các địa phương tổ chức một là khung sườn để triển khai nội dung này, mỗi huyện thì làm một kiểu, rồi tỉnh chỉ đạo tổng thể thì cũng rất khó để quản lý. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các tỉnh, thành chúng ta cần phải xác lập một khung thống nhất.

Mỗi địa phương còn lại chỉ cần thêm phần đặc thù tại địa phương 20-30% vào khung thống nhất này thì chúng ta làm được việc này và giải quyết được 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất, là quản lý của tỉnh sẽ có hệ thống thống nhất rất tốt. Thứ hai là kinh phí thuê tư vấn làm việc này giảm đi rất nhiều. Bởi vì khi chúng ta làm xong khung sườn thì xem như cái mẫu rồi. Quan trọng nhất là quản lý của tỉnh và cơ quan quản lý chuyên ngành là Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành là khi so chiếu vào để quản lý có hệ thống thống nhất thì rất là tiện. Cái này, hiện các địa phương làm cũng rất mức độ.

Thứ ba, việc thành lập hội đồng tư vấn kiến trúc tại các địa phương hiện nay cũng chưa rõ. Có sự nhầm lẫn giữa hội đồng tư vấn kiến trúc tại địa phương với hội đồng thẩm định các dự án quy hoạch và thiết kế. Trong đó, tư vấn kiến trúc tại địa phương là hội đồng chủ động phát hiện, tìm kiếm và đề xuất với lãnh đạo tỉnh những vấn đề còn bất cập về lĩnh vực quy hoạch kiến trúc. Rồi những vấn đề cần định hướng cho tương lai phát triển kiến trúc. Hội đồng hoạt động chủ động, thông qua đầu mối Sở Xây dựng nhưng tập hợp các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, không phải riêng tại địa phương mà mời các chuyên gia trong toàn quốc, kể cả chuyên gia quốc tế, người ta có năng lực cái này. Hội kiến trúc sư hoàn toàn có thể giới thiệu cho địa phương, chúng ta cũng không ngại về kinh phí, thông qua công nghệ số hoàn toàn có thể huy động, với kinh phí không đáng kể. Qua đó, giải quyết được vấn đề khó khăn lực lượng tại chỗ.

Thứ tư là thi tuyển phương án kiến trúc, công trình tại địa phương thì chúng ta cũng cần đổi mới. Nên có sự huy động và kết nối để tiến hành các cuộc thi này, huy động được chất xám trong nước và quốc tế đối với các công trình quan trọng của tỉnh. Nếu có thiết kế đặc sắc sẽ có sức hút rất lớn.

Tất cả 4 nội dung này về Hội Kiến trúc sư Việt Nam kết nối cùng với Chi hội kiến trúc sư tại địa phương và thông qua hệ thống quản lý của Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành thì có thể thực hiện rất hiệu quả và thực tế.

Riêng việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như thế nào thưa ông ?

– Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nội dung liên quan đến quy hoạch kiến trúc thì hiện nay các tỉnh đã đưa ra chương trình hành động, cốt lõi của nghị quyết là bền vững. Hội Kiến trúc sư Việt Nam muốn đề xuất tỉnh cần phải có kế hoạch và chương trình hành động cụ thể. Chúng tôi cho rằng, những vấn đề đặt ra trong phát triển phù hợp với địa phương mình, vẫn nằm trong kênh hội nhập và phát triển chung của đất nước để vừa tiết kiệm nguồn lực, nhất là tài chính vừa đi chân trên mặt đất, tức là khi thực hiện các chương trình này thì gắn với sự phát triển, làm động lực cho kinh tế địa phương phát triển. Trong Nghị quyết 06 có 11 nội dung, đặc biệt liên quan đến quy hoạch và kiến trúc, rất thực tiễn, cần chú ý để đạt nội dung này.

Hiện nay, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đề nghị địa phương cho phép giới chuyên môn từ Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành và Hội Kiến trúc sư tại địa phương gia nhập, tham gia các chương trình nghiên cứu, đề án mà Hội Kiến trúc sư Việt Nam được giao nhiệm vụ. Trong đó có nhiệm vụ đào tạo đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiến trúc, lưu giữ, trưng bày các giá trị bản sắc kiến trúc các dân tộc Việt Nam. Nhiệm vụ nghiên cứu và bảo tồn, phát huy và làm mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam. Rõ ràng bản sắc và làm mới này hiện nay là vấn đề rất khó khăn đối với các địa phương, chúng tôi cho rằng nếu chúng ta có kết hợp thì sẽ tìm được những hướng đi phù hợp.

Với những đô thị mới, đặc thù riêng như Hậu Giang thì phát triển công trình, quy hoạch nên đi theo hướng nào ?

 – Chúng tôi thấy rằng ở Hậu Giang tiềm năng rất lớn. Hiện nay, hệ thống công trình công sở có những đổi mới rất tốt. Thế còn các hệ thống công trình dọc kênh rạch nếu có nghiên cứu, không cần có những công trình lớn sẽ có đặc sắc, phát triển du lịch.

Để phát triển kiến trúc và quy hoạch tại địa phương thì chúng tôi cho rằng cần chú ý đến vấn đề bố trí nguồn lực. Nguồn lực này chúng tôi thấy rằng hiện nay các địa phương cũng làm rất hài hòa, những chương trình lớn, quan trọng. Ví dụ như cả cấp tỉnh và cần đánh giá một cách hệ thống thì nên tính tới việc xin kinh phí hỗ trợ từ Trung ương. Còn những chương trình lẻ, giải quyết những vấn đề nóng, sốt theo thời gian tại các huyện, thị nên có chương trình bố trí rõ rệt, huy động lực lượng chuyên gia phù hợp. Sản phẩm ra đời phải vận dụng vào cụ thể…

Theo Báo Hậu Giang

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo