Với quy mô hơn 100 triệu dân và tổng tiền thuốc sử dụng năm 2023 là hơn 8 tỷ USD, thị trường dược phẩm Việt Nam là khá hấp dẫn và còn nhiều dư địa cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh. Bộ Y tế cho biết, 2024 là một năm then chốt với việc rà soát, sửa đổi các luật và quy định quan trọng để định hình hoạt động của ngành y dược trong một thập kỷ tới, góp phần phát triển hệ thống y tế bền vững và kiến tạo một hệ sinh thái thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Bình Phước)
Một nội dung quan trọng đang được Bộ Y tế triển khai là hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược năm 2016 để trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tháng 10 này. Việc sửa đổi Luật Dược để tạo hành lang pháp lý giải quyết các điểm nghẽn trong thời gian qua, tránh gây thiếu thuốc phòng và chữa bệnh. Năm điểm mới được đưa ra đó là: Thể chế toàn bộ các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù liên quan lĩnh vực dược trong giai đoạn dịch Covid-19; đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược; đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đơn giản hóa thủ tục hành chính về trình tự, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc; thêm các giải pháp quản lý chặt chẽ giá thuốc.
Một trong những điểm mới của dự thảo luật là thay đổi “chiến lược” đối với công nghiệp dược. Theo đó, chuyển từ sản xuất thuốc generic sang phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc công nghệ cao, vắc-xin và sinh phẩm… để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu đến các thị trường tiên tiến.
Cùng với Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ tạo ra cú huých lớn cho ngành dược Việt Nam đạt mục tiêu đề ra, đó là trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực…
Giải pháp quan trọng để hiện thực mục tiêu, đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào công nghiệp dược. Hiện Việt Nam mới có 159 công ty nước ngoài đầu tư vào ngành y dược với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD, một con số khá khiêm tốn hay nói cách khác là rất nhỏ bé so với con số khoảng 500 tỷ USD vốn đăng ký sau 35 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Với các dự án FDI đã triển khai cũng thiếu vắng những doanh nghiệp đầu ngành, dẫn dắt sự phát triển ngành sản xuất thuốc của thế giới.
Hơn lúc nào hết, các bộ, ngành cần có những biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, cải cách pháp lý để tạo môi trường đầu tư nước ngoài hấp dẫn hơn cho ngành công nghiệp dược phẩm.
Do vậy hơn lúc nào hết, các bộ, ngành cần có những biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, cải cách pháp lý để tạo môi trường đầu tư nước ngoài hấp dẫn hơn cho ngành công nghiệp dược phẩm. Việt Nam có thể tiếp tục thu hút đầu tư bằng cách cung cấp các chính sách ưu đãi về thuế, đơn giản hóa quy trình cấp phép cho thuốc chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, việc cắt giảm thủ tục hành chính có thể thu hút đầu tư vào chuyên môn hơn từ các công ty đa quốc gia và về lâu dài sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước song song với việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại diện các doanh nghiệp dược phẩm nước ngoài cho rằng, Luật Dược mới cần được thông qua để giải quyết các điểm nghẽn trong việc đăng ký gia hạn lưu hành thuốc trong nhiều năm qua. Đồng thời có ngay các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) để không có khoảng trống pháp lý trong quá trình triển khai. Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ của các nước trong khu vực, Việt Nam cần nhanh chóng tăng cường các nỗ lực trong công cuộc thu hút FDI và đổi mới, sáng tạo.
Có ba yếu tố quan trọng Việt Nam cần tập trung, đó là tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động và đầu tư thông qua các chính sách rõ ràng, mang tính dự báo, bền vững để tạo động lực cho các công ty ưu tiên đưa các liệu pháp tiên tiến nhất đến Việt Nam sớm hơn cũng như sẵn sàng đầu tư dài hạn tại đây; đưa ra các chính sách ưu đãi ưu tiên lĩnh vực đổi mới, phát minh như thiết lập trung tâm nghiên cứu, phát triển, khuyến khích đầu tư vào các giai đoạn sớm của quy trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm như nghiên cứu lâm sàng và nâng cao năng lực sản xuất. Và cuối cùng là có những giải pháp cụ thể triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược hiệu quả.