Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam cũng như để người tiêu dùng Việt có thể được sử dụng những sản phẩm cà phê tốt – Ảnh: VGP/Thanh Thủy
Với định hướng vừa tiếp tục phát triển xuất khẩu vừa mở rộng thị phần từ hệ thống khách hàng nhập khẩu ở hơn 120 quốc gia và tập trung chế biến sâu, Công ty cổ phần Phúc Sinh đang đặt mục tiêu tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để phục vụ người tiêu dùng trong nước, từ đó gia tăng giá trị cho cà phê Việt.
Ông Phan Minh Thông: Có thể nói tác động của dịch bệnh đến các DN xuất khẩu năm nay nghiêm trọng hơn năm ngoái rất nhiều. Chẳng hạn cước tàu, cước container… tăng lên nhiều lần, chi phí nhân công, chi phí kho bãi tăng vọt… Bên cạnh đó, do giãn cách, nhiều nhà máy, nhiều dịch vụ đóng của hoặc giảm công suất khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Khi dịch bệnh căng thẳng dẫn đến giãn cách trong mấy tháng trời, nhiều công ty trong ngành phải đóng cửa vì nếu có bán hàng online cũng không tìm được người giao hàng… Tất cả những bất lợi ấy đã khiến các DN nói chung và DN xuất khẩu nói riêng lao đao.
Trước tình hình đó, Phúc Sinh đã có nhiều giải pháp kịp thời để thích ứng. Về tầm nhìn chúng tôi xác định muốn tồn tại thì phải khác biệt, phải dám tiên phong, không ngừng đổi mới, luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo. Dù lợi nhuận và sản lượng xuất khẩu tăng đều mỗi năm nhưng tôi vẫn nghĩ nếu chỉ làm thương mại đơn thuần thì không thể tạo sự khác biệt.
Bên cạnh đó, Phúc Sinh lấy phương châm “chăm chỉ sáng tạo và kỷ luật” làm nền tảng cho quá trình quản trị, quản lý và sản xuất, kinh doanh. Chăm chỉ sẽ giúp chúng tôi làm được nhiều việc và vượt qua nhiều trở ngại. Kỷ luật sẽ giữ được mọi thứ vào nề nếp, có thể thích ứng mà không xáo trộn và mất thăng bằng với những thay đổi hay biến động. Điều này đã được kiểm chứng qua những khó khăn, cam go của đợt dịch bệnh vừa qua. Phúc Sinh không chỉ ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu mà còn tăng trưởng.
Tôi luôn xác định doanh số của một DN chưa phải là giá trị cuối cùng. Giá trị lớn nhất và cũng là con đường duy nhất để DN tồn tại và phát triển bền vững chính là sự đổi mới và tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Từ 15 năm trước, chúng tôi đã nung nấu và triển khai số hóa để tạo tiền đề xây dựng hệ thống thương mại điện tử (TMĐT). Bốn năm trước, Phúc Sinh củng cố và phát triển hệ thống TMĐT và từ đó App Kphucsinh và web: www.Kphucsinh.vn vận hành rất tốt. Khi đại dịch diễn ra, trong thời gian giãn cách, chúng tôi chẳng đóng cửa ngày nào cả và vẫn giao hàng, nhận đơn hàng từ sáng đến tối bởi Kphucsinh đã vận hành hết công suất, giúp ổn định sản xuất và có tăng trưởng. Tháng 8/2021 TPHCM là “đỉnh” dịch nhưng đây lại là một trong những tháng hoạt động tốt nhất của chúng tôi trong năm và có lãi lớn.
Về quản lý nguồn nguyên liệu, để kết nối với các hộ nông dân trồng cà phê, hồ tiêu và các bên trung gian, Phúc Sinh đã ứng dụng hệ thống phần mềm để có thể tính toán, kiểm tra và thống kê được công việc cụ thể hằng ngày. Hay để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, Phúc Sinh cũng đã làm việc với tất cả nông dân trong hệ thống, trang bị điện thoại thông minh và hướng dẫn nông dân nhập dữ liệu.
Trong khâu phân phối, chúng tôi đã cho ra mắt ứng dụng mua sắm và trang TMĐT vào tháng 11/2020, phục vụ cho việc bán các sản phẩm nông sản, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh. Theo đó, Phúc Sinh đã kết nối với các nhà cung cấp để đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Khi khách hàng mua hạt tiêu, cà phê thì cũng có thể mua thêm các sản phẩm khác như thịt bò, thịt lợn, bánh, kẹo… và ngược lại. Nhờ vậy, tỷ lệ khách hàng tiếp cận đến sản phẩm hồ tiêu, cà phê của Phúc Sinh tăng nhanh chóng.
Mặc dù DN đầu tư chuyển đổi số là khá tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức, tuy nhiên tôi cho rằng các giải pháp công nghệ sẽ giúp các DN tăng trưởng ổn định, vượt qua nhiều thách thức, phát triển bền vững và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Được biết, hiện nay Phúc Sinh không chỉ phát triển thị trường xuất khẩu mà đã quay lại tập trung chế biến sâu cho các sản phẩm của thị trường trong nước. Xin ông chia sẻ những đánh giá của mình về thị trường “sân nhà” trong lĩnh vực cà phê và hồ tiêu?
Ông Phan Minh Thông: Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều mặt hàng trên thế giới thì không có lý do nào người Việt chúng ta lại phải dùng nhưng mặt hàng không có chất lượng cao.
Riêng Phúc Sinh mỗi năm xuất khẩu đến 60.000 tấn cà phê xanh nhưng tôi vẫn thấy Việt Nam thiếu các sản phẩm thành phẩm. Điều trăn trở lớn nhất của chúng tôi là Việt Nam xuất khẩu 20% lượng cà phê phục vụ cho thế giới nhưng đa số người dân Việt Nam lại đang sử dụng cà phê pha trộn bắp, đậu nành, thậm chí là hóa chất chứ không được uống cà phê 100% nguyên chất hay đã qua chế biến sâu.
Do đó, tôi quyết định tạo “gu” mới từ cà phê nguyên chất của Phúc Sinh để tạo cơ hội cho người tiêu dùng trong nước được thưởng thức sản phẩm cà phê ngon nhất, tốt nhất.
Mấy năm gần đây, hàng loạt sản phẩm cà phê 100% nguyên chất K-Coffee Black, K-Coffee Light, cà phê hòa tan K-Coffee Delight, hạt tiêu đen, trắng đóng lọ, nước sốt tiêu xanh đóng chai, trà Cascara, một loại trà từ Blue Sơn La duy nhất tại Việt Nam và mới đây nhất là sản phẩm tiêu xanh sấy lạnh, đã nối tiếp nhau ra đời. Những sản phẩm này không chỉ nhanh chóng được người tiêu dùng nội địa đón nhận mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu tới những thị trường khó tính như Bắc Mỹ, châu Âu, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Pháp, Italy…
Vì thế, Phúc Sinh đã có những quyết định táo bạo: Cung cấp một loạt sản phẩm cà phê rang xay 100% nguyên chất với thương hiệu K COFFEE. Chúng tôi cũng mong muốn làm một cuộc cách mạng dành cho khách hàng uống cà phê phân biệt được cà phê sạch là như thế nào, như cuộc cách mạng xuất khẩu hàng nông sản hạt tiêu và cà phê trong 18 năm chúng tôi đã làm.
Từ thực tế của Phúc Sinh tôi nghĩ rằng, đối với một DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng nông sản, chế biến cần xem trọng thị trường nội địa và coi đó như một trách nhiệm có tính dân tộc. Khi đã vững mạnh ở thị trường nội địa thì đó sẽ là tiền đề, điểm tựa để mở rộng thị trường xuất khẩu và đó chính là hướng đi bền vững của DN.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhưng thu nhập từ ngành cà phê chưa xứng đáng với vị thế của ngành cà phê Việt Nam. Ông có chia sẻ, góp ý gì để ngành cà phê nước nhà gia tăng giá trị.
Ông Phan Minh Thông: Để phát triển chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm cho hạt cà phê, hồ tiêu, chúng ta phải xây dựng nhiều nhà máy chế biến cho ngành nông nghiệp và khuyến khích các nhà máy chế biến sâu bằng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, bộ ngành và địa phương như quỹ đất, thuế, vốn… để các DN tập trung hơn vào việc chế biến rộng, chế biến sâu nhằm giải quyết được lượng nông sản của bà con cũng như gia tăng chất lượng cho các sản phẩm trước khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ phát triển các tập đoàn nông nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam để dẫn dắt thị trường nông nghiệp trong nước. Đồng thời, mỗi DN phải luôn đặt chiến lược chế biến sâu, không ngừng sáng tạo tìm ra sản phẩm mới và đi tìm thị trường ngách vừa là mục tiêu, vừa là trách nhiệm của DN mình.
Đặc biệt, để tạo ra một hướng liên kết giữa các DN trong ngành, giữa ngành nông nghiệp, ngành logistics, ngành xuất khẩu, từ đó có thể hướng ngành sản xuất cà phê Việt Nam phát triển sâu rộng, bền vững, cần xây dựng sàn giao dịch hàng hóa để có thể tập trung, liên kết xử lý lượng lớn hàng hóa nông sản và tạo ra một chuỗi liên thông, gắn kết hỗ trợ sự phát triển chung của tất cả các ngành.
Theo xu hướng trên thế giới, tất cả DN sản xuất nông sản sau khi xây dựng thương hiệu đều quan tâm đến an toàn thực phẩm và đã xây dựng chuỗi sản xuất sạch. Vì vậy, muốn tăng thêm giá trị gia tăng cho hồ tiêu, cà phê, DN Việt Nam phải thay đổi chính mình và cùng tham gia vào chuỗi sản xuất sạch, nếu không sẽ khó tồn tại trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Là một doanh nhân nhưng ông vẫn dành thời gian để hoàn thành 2 cuốn sách, trong đó cuốn thứ 2 mới đây: “Vượt lên những con đường kinh doanh” đang được độc giả quan tâm và đón đọc. Xin hỏi, đây có phải là đam mê thứ 2 của ông sau cà phê, hồ tiêu?
Ông Phan Minh Thông: Với tôi, viết là một thú vui và cũng để cân bằng những áp lực trong kinh doanh. Trong thương trường, trong xã hội khi gặp các câu chuyện đời thường, nhất là nhưng câu chuyện về con người, về cách đối nhân xử thế hay, có ý nghĩa nhân văn, tôi thường ghi lại và lồng vào đó ý nghĩa giáo dục tích cực.
Với cá nhân tôi, đây không chỉ đơn thuần là một thú vui, sự đam mê mà đó còn là trách nhiệm của một doanh nhân đi trước để chia sẻ kinh nghiệm thương trường, bí quyết kinh doanh cho những Start-Up.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này và xin chúc ông nhiều sức khỏe để đưa Phúc Sinh ngày một phát triển hơn nữa!
Theo Chinhphu.vn