Ảnh minh họa.
Nhiều luật sư ở lĩnh vực kinh tế khẳng định, cần phải thay đổi quy định về việc giá thành 0 đồng như hiện nay, nhất là trong lĩnh vực hàng không. Bởi, giá sản xuất dịch vụ còn gồm các chi phí sản xuất trực tiếp như tiền thuê máy bay, xăng dầu, phi công, tiếp viên,… mà không thể tính vào chi phí khác hay thuế mặt đất.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo về dự thảo Thông tư áp dụng giá sàn vé máy bay. Tại báo cáo này, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay, việc áp giá sàn là giải pháp mang tính tình huống, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn và được cân nhắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước.
Không vi phạm Luật Cạnh tranh
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, khung giá tại dự thảo Thông tư hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước. Cụ thể, với hãng hàng không, vẫn tạo điều kiện để các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách; hỗ trợ góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam. Trong khi đó, phía người tiêu dùng vẫn có cơ hội tiếp cận các mức giá phù hợp. Trường hợp những người dân có thu nhập hạn chế có thể cân đối lựa chọn các hình thức vận chuyển khác.
Đề xuất này của Cục Hàng không Việt Nam đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ phía người tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế và giới luật sư. Nhiều người cho rằng, đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam là vi phạm Luật Cạnh tranh, triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường, lấy đi cơ hội đi máy bay giá rẻ của nhiều người.
Tiếp cận dưới góc độ khác về pháp lý, luật sư Dương Mai Hoa, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, việc quy định giá sàn là phù hợp quy định pháp luật nhằm ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp. Theo khoản 6, Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018, hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm bao gồm bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ, dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, không phụ thuộc doanh nghiệp đó có vị trí thống lĩnh hay không (khác Luật Cạnh tranh 2004).
Tuy nhiên, để xác định giá sàn hợp lý, các hãng hàng không cần giải trình vì sao giá thành tối thiểu của một chuyến bay là 320 nghìn đồng đến 750 nghìn đồng/hành khách (chưa bao gồm các khoản thuế, phí sân bay) để có cơ sở cho việc xây dựng giá sàn.
Giá thành không thể là 0 đồng
Cũng theo phân tích của luật sư Dương Mai Hoa, theo quy định của Luật Cạnh tranh, một trong những hành vi phi thị trường bị cấm là hành vi cung cấp giá dịch vụ dưới giá thành toàn bộ (khoản 6, Điều 45, Luật Cạnh tranh 2018). Luật Giá 2012 quy định: “Giá thành toàn bộ của hàng hóa, dịch vụ là giá thành tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: Giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ; giá mua hàng hóa, dịch vụ đối với tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại; chi phí lưu thông để đưa hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng”.
Theo đó, giá thành sản xuất dịch vụ (chưa tính đến chi phí lưu thông) thì không thể là 0 đồng, vì còn các chi phí như tiền thuê máy bay, xăng dầu (chi phí nguyên nhiên liệu), phi công, tiếp viên (chi phí nhân công trực tiếp)… đều là các chi phí trực tiếp cấu thành giá sản xuất dịch vụ mà không thể tính vào chi phí khác hay thuế mặt đất. Kiến nghị về giá sàn có thể ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh và giúp cho thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn về lâu dài, do đó không phải là phi thị trường, triệt tiêu cạnh tranh.
Đồng thời, luật sư Dương Mai Hoa cũng cho rằng, nên điều chỉnh lại quy định pháp luật phù hợp quy định giá thành 0 đồng đối với một số dịch vụ hàng không. Có thể một số doanh nghiệp có mô hình đặc thù – như giá vé 0 đồng, nhưng lại có doanh thu từ bán sản phẩm, dịch vụ, chỗ chứa hành lý, quảng cáo trong chuyến bay, thì có thể vẫn có lãi. Nhưng việc xây dựng cơ cấu giá vé như vậy không phản ánh đúng bản chất giá thành sản xuất dịch vụ, dường như đang được ẩn đi và bù đắp từ doanh thu của các dịch vụ khác. Trong khi chi phí vẫn phải được hạch toán là chi phí, về mặt pháp lý không bù như vậy được. Do đó, quy định minh bạch cũng là bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, có thể thấy dự thảo Thông tư không phải vấn đề mới. Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành nhiều thông tư quy định về khung giá vận chuyển hành khách trên đường bay nội địa, quy định mức giá, khung giá vận chuyển đối với một số dịch vụ hàng không như Thông tư 17/2019/TT-BGTVT; Thông tư 53/2019/TT-BGTVT; Thông tư 19/2020/TT-BGTVT,… Theo đó, quy trình, thủ tục ban hành một văn bản quy phạm pháp luật, theo luật sư Dương Mai Hoa, với tư cách là Bộ quản lý chuyên ngành được giao thẩm quyền quy định giá trong lĩnh vực hàng không (theo quy định tại Nghị định 149/2016/NĐ-CP), Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm biết và thực hiện các trình tự/thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.
Không để giẫm lên nhau cùng chết chìm
Tại thị trường Việt Nam hiện có 6 hãng hàng không đang hoạt động gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Vì vậy, tính cạnh tranh về giá vé, đường bay, tần suất khai thác giữa các hãng là rất cao. Hiện nay, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015, quy định giá trần theo cự ly của từng đường bay. Giá vé áp dụng cho 5 nhóm đường bay với mức giá vé (một chiều) là 1,6 – 3,75 triệu đồng/vé (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác. Các hãng hàng không xây dựng dải giá với nhiều mức (thông thường có 10-15 mức), tương ứng các điều kiện, giai đoạn khai thác khác nhau.
Thời gian qua, phương án đề xuất áp giá tối thiểu theo 2 cách tính bao gồm: cách 1 đề xuất áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ giai đoạn 2019 và cách 2 là giá tối thiểu bằng 35% giá trần. Cơ sở áp giá tối thiểu là bài toán để hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19, giảm bớt cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng, không tạo ra hiện tượng phá giá, giẫm đạp lên nhau để cùng chết chìm.
Trên thực tế, dịch Covid-19 khiến thị trường hàng không chứng kiến mặt bằng giá vé máy bay rẻ chưa từng có trong năm 2020. Thậm chí, trong dịp Tết Nguyên đán 2021, các hãng giảm giá vé máy bay chạm đáy, ngay cả Vietnam Airlines cũng đưa ra mức giá vé 98 nghìn đồng cho nhiều chặng bay. Khách đặt vé từ Hà Nội đi Đà Lạt dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 trên trang chủ Bamboo Airways chỉ 48 nghìn đồng chiều đi và chiều về là 69 nghìn đồng (chưa gồm thuế); Vietnam Airlines là 109 nghìn đồng cho mỗi chiều; Vietjet Air là 39 nghìn đồng/chiều,…
Để hút thị trường nội địa khi thị trường quốc tế đóng băng, hơn 1 năm qua, các hãng liên tục mở mới, đổ tải vào các đường bay trong nước với cuộc đua giá rẻ, thấp hơn giá thành, dẫn tới lượng vé bán ra tăng lên song doanh thu phục hồi chậm. “Cuộc chiến” giảm giá vé máy bay dưới giá thành tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác, khi giá vé máy bay ở nhiều thời điểm còn rẻ hơn đường sắt và đường bộ, nhưng thời gian di chuyển lại nhanh hơn, an toàn hơn. Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng Khoa Vận tải – Kinh tế, Trường đại học Giao thông vận tải, trong ngắn hạn, một số bộ phận người tiêu dùng có thể được lợi khi giá vé giảm. Nhưng trong dài hạn, nếu diễn ra tình trạng độc quyền dù chỉ ở một vài phân khúc, các doanh nghiệp sẽ phải tăng mạnh giá bán để bù đắp tổn thất và tới lúc đó, người tiêu dùng sẽ lại là người gánh chịu thiệt thòi.
“Chính sách quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa được cân nhắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước. Giải pháp mang tính chất tình huống, chỉ áp dụng thời gian ngắn trong bối cảnh chịu tác động lớn của dịch Covid-19, theo tôi là phù hợp tình thế hiện nay. Tuy nhiên, về mức giá sàn và giá trần cần được chỉ rõ căn cứ xác đáng và cần đánh giá tác động thực tế của chính sách đối với hoạt động của các hãng hàng không, vì nhiều ý kiến cho rằng việc đặt ra quy định về mức giá tối thiểu có thể gây cản trở cho nỗ lực kích cầu của các hãng hàng không”, ông Thái phân tích.
PGS, TS Nguyễn Hồng Thái cũng nhìn nhận: Trong tình hình này, việc Nhà nước thể hiện rõ vai trò của mình sẽ bảo đảm được sự tồn tại của các hãng hàng không và lợi ích của khách hàng, tạo tiền đề cho ngành hàng không phục hồi trong tương lai. Việc phân bổ, tập trung nguồn lực hỗ trợ ngành hàng không là cần thiết, trong bối cảnh nền kinh tế quay trở lại hoạt động với công suất bình thường thì ngành hàng không sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi tính lan tỏa rất lớn về lợi ích kinh tế đến các ngành thương mại, dịch vụ và đặc biệt là ngành du lịch.
Theo Báo Nhân dân