Không chỉ Việt Nam, nhiều sản phẩm vào EU của các nước khác cũng vừa bị cảnh báo vi phạm vì chứa ethylene oxide, theo Tham tán thương mại Thuỵ Điển.
Koreatimes dẫn thông báo gần đây của Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Uỷ ban châu Âu (RASFF), Đức thu hồi lô mỳ ăn liền hãng Nongshim (Hàn Quốc) sản xuất ngày 27/1 và 3/3/2021 vì chứa EO vượt ngưỡng. Nồng độ của EO trong các sản phẩm mỳ của Hàn Quốc được tìm thấy là 5-7,4 mg/kg, trong khi theo tiêu chuẩn của EU là không quá 0,05.
Thực tế, theo bà, thời gian qua hàng trăm thông báo được các nước phát đi liên quan đến chất EO thông qua RASFF. Các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao… đến từ nhiều nước khác nhau.
Với phở khô vị bò gà của Thiên Hương bị Na Uy cảnh báo, thu hồi tại thị trường này do phát hiện lô sản phẩm hạn dùng 7/2/2022 có chứa 0,052 mg/kg-ppm ethylene oxide. Theo bà Thuý, mức “vi phạm rất thấp”, vì quy định ngưỡng tối đa là 0,05 mg/kg. Gần đây sản phẩm nhiều nước bị cảnh báo nhiễm chất này, nên việc kiểm soát “được chú ý hơn trước”.
“Một lô hàng vi phạm không có nghĩa là toàn bộ sản phẩm của doanh nghiệp có vấn đề”, bà Thuý nói và cho rằng, cảnh báo doanh nghiệp là cần thiết nhưng nếu làm quá, sẽ ảnh hưởng không đáng có đến doanh nghiệp, uy tín hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Vì sao EU kiểm duyệt chặt chất ethylene oxide?
Các cơ quan an toàn thực phẩm của EU thường xuyên kiểm tra sản phẩm (nhập khẩu, nội địa) theo hình thức định kỳ, ngẫu nhiên, hoặc khi có khiếu nại. Trên RASFF không chỉ có cảnh báo đối với hàng nhập khẩu, mà cả hàng của nước họ nếu phát hiện ra sai phạm.
Các sản phẩm một khi vi phạm sẽ bị tăng tần suất kiểm tra. Tùy mức độ vi phạm mà tần suất kiểm tra có thể là 50%, thậm chí là 100%. Khi kiểm tra liên tục trong một thời gian, thường khoảng 3 tháng, nếu không có vi phạm, mức độ kiểm tra ngẫu nhiên sẽ quay lại như ban đầu.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cho biết, ethylene oxide (EO) thường được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao trong một số sản phẩm nông sản; khử khuẩn các nguyên liệu thực phẩm, đặt biệt cho các gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế.. do yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella.
Việc tiêu thụ các sản phẩm có chứa EO không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu dùng thường xuyên trong thời gian dài. Việc sử dụng EO như một hoạt chất trong các sản phẩm bảo vệ thực vật ở EU không được chấp thuận. Tuy nhiên, theo chỉ thị EU số 91/414/EEC về quản lý các sản phẩm bảo vệ thực vật, mức dư lượng giới hạn EO trong sản phẩm là 0,05mg/kg.
Tại nhiều nước châu Âu, hàm lượng ethylene oxide trong thực phẩm được tính cả mức tồn dư 2-chloroethanol, một dạng chuyển hóa của ethylene oxide.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Thuỵ Điển khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý muốn vào thị trường EU, cần nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc của thị trường trên các cổng thông tin chính thức của EU như Trade Help Desk, CBI… để hiểu các thủ tục liên quan đến sản phẩm của mình. Ngoài ra, các thông tin về quy định thị trường bắc Âu cũng được Thương vụ cập nhật tại địa chỉ https://vietnordic.com, để các doanh nghiệp tham khảo, nắm bắt quy định nước nhập khẩu.
Bộ Công Thương đã yêu cầu Thiên Hương và Acecook Việt Nam báo cáo quy trình sản xuất. Cơ quan quản lý cũng lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu ethylene oxide và rà soát toàn bộ sản phẩm của doanh nghiệp này tại thị trường trong nước.
Hôm 30/8, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương gửi báo cáo vụ việc tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, trước ngày 7/9 tới.