Tuần trước, công ty trong một thông báo cho biết, lãnh đạo cao nhất của họ đã quyết định “tách thành hai tổ chức đa ngành riêng biệt”. Nếu kế hoạch được thông qua, EY sẽ hoạt động như hai công ty riêng biệt – một công ty chủ yếu làm công việc kiểm toán và công ty còn lại làm công việc tư vấn và cố vấn.
Tất nhiên, sự phân chia mới chỉ được đề xuất và sẽ được tiến hành thảo luận rộng rãi trong nội bộ trong nhiều tháng, nhằm giúp tránh xung đột lợi ích có thể phát sinh giữa công việc kiểm toán và công việc tư vấn mà EY đang thực hiện cho một số khách hàng doanh nghiệp.
Đồng thời việc chia tách phải được chấp thuận bởi hơn 10.000 đối tác của EY làm việc tại 140 quốc gia, công ty đang sử dụng gần 300.000 nhân viên trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, công ty cũng có thể cần sự chấp thuận của cơ quan quản lý đối với kế hoạch từ một số quốc gia mà công ty hoạt động.
“Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng chúng tôi có thể nắm bắt được bối cảnh đang thay đổi, xây dựng các doanh nghiệp xác định lại tương lai ngành nghề của chúng tôi, tạo ra những cơ hội mới thú vị và mang lại giá trị lâu dài hơn cho người dân, khách hàng và cộng đồng EY”, tuyên bố của công ty cho biết.
Một cách mà EY có thể đạt được sự phân chia là chuyển bộ phận tư vấn của mình thành một công ty có thể nộp đơn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Doanh nghiệp kiểm toán có thể sẽ vẫn là một quan hệ đối tác tư nhân.
Và kết quả của việc chia tách có thể là tích cực, một khi tách khỏi hoạt động kinh doanh kế toán các hoạt động tư vấn và cố vấn sẽ có lợi hơn vì chúng ít bị hạn chế bởi các quy tắc xung đột lợi ích có thể hạn chế các dịch vụ mà chúng có thể cung cấp cho khách hàng.
Có vẻ như Carmine Di Sibio, chủ tịch và giám đốc điều hành toàn cầu của EY cũng đồng quan điểm, ông cho rằng động thái này “là thứ sẽ thay đổi ngành công nghiệp” trong một cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal, báo cáo về quyết định của công ty vài giờ trước khi đưa ra tuyên bố.
Sẽ có nhiều hệ lụy?
Có thể nói, việc chia tách một công ty bình thường là khá đơn giản, nhưng với EY thì đó là một công việc không dễ dàng gì. Về mặt chiến lược, nó hấp dẫn. Nhưng, về mặt logic và toán học, đó là một cơn ác mộng của những người trong cuộc.
Theo lý thuyết, công ty sẽ chuyển bộ phận tư vấn của mình thành một công ty đại chúng trong khi doanh nghiệp kiểm toán có thể sẽ vẫn là một quan hệ đối tác tư nhân. Giám đốc điều hành Carmine Di Sibio tính toán rằng doanh thu từ bộ phận tư vấn có thể đạt 10 tỷ USD trong con số 45 tỷ đô la Mỹ mỗi năm mà tập đoàn đạt được hiện nay.
EY dự kiến tăng trưởng đột biến và lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp tư vấn khi doanh nghiệp này được giải phóng khỏi các quy tắc xung đột lợi ích hạn chế các dịch vụ mà công ty có thể bán cho khách hàng kiểm toán. Công ty hiện đang kiểm toán những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon bao gồm Amazon, Salesforce, Workday và Alphabet, công ty mẹ của Google.
13.000 đối tác của công ty đang mong đợi các khoản thanh toán hàng triệu đô la từ việc chia tách. Để trả cho khoản đó, EY đang có kế hoạch huy động khoảng 11 tỷ USD trong đợt bán công khai 15% cổ phần của công ty tư vấn, công ty cũng sẽ vay khoảng 18 tỷ USD.
Các nhà theo dõi trong ngành cho biết chiến lược của EY mang lại những rủi ro đáng kể cũng như tiềm năng lớn. Việc chia tách công ty, hoạt động như một mạng lưới toàn cầu gồm các công ty riêng biệt ở khoảng 140 quốc gia, là một nỗ lực tốn kém và mất thời gian.
Michael Shaub, giáo sư kế toán tại Đại học Texas A&M, cho biết: “Đó là một công việc lớn. Thật khó để tưởng tượng số lượng các vấn đề phải được giải quyết và cách bạn điều hướng điều đó”.
“Bạn có thể thấy rằng trên lý thuyết một cuộc chia tách sẽ rất hấp dẫn, nhưng trong thực tế, nó thực sự phức tạp và tốn kém”, Martin White, nhà phân tích cấp cao tại Source Global Research, một công ty nghiên cứu ngành tư vấn cho biết.
Thách thức tiếp theo đối với các giám đốc điều hành hàng đầu của công ty là làm cho các đối tác chấp thuận thỏa thuận. Không giống như một công ty niêm yết, nơi các cổ đông có thể bỏ phiếu một lần để thông qua việc chia tách, EY phải tổ chức các cuộc thăm dò địa phương ở khoảng 75 quốc gia. Một số yêu cầu đa số đơn giản, một số khác lại đòi hỏi khá phức tạp.
Ông Di Sibio đã dẫn đầu các nỗ lực trong mùa hè này để vượt qua những lo ngại về thỏa thuận từ các nhà lãnh đạo của các công ty thành viên lớn nhất của EY, bao gồm cả ở Mỹ và Anh. Các cuộc đàm phán kéo dài tập trung vào việc số tiền huy động được từ thỏa thuận được phân chia như thế nào, cũng như vạch ra ranh giới giữa hai doanh nghiệp mới.
Các phiếu bầu của các đối tác trong các công ty riêng biệt trong mạng lưới của EY sẽ diễn ra vào cuối năm nay và đầu năm sau. Theo ông Di Sibio, EY không cần tất cả các công ty đó phê duyệt thỏa thuận để họ có thể tiếp tục cuộc chia tách. Sau khi bỏ phiếu và hậu cần, bước tiếp theo sẽ là công việc tư vấn sẵn sàng cho IPO vào cuối năm sau.
Sau sự sụp đổ của công ty Enron vào năm 2001 và các vụ gian lận của các công ty lớn khác, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật thành lập Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng, trực thuộc SEC nhưng đưa ra các hành động thực thi riêng chống lại các công ty kiểm toán.
Mặc dù EY đang trả tiền để được tư vấn từ một số ngân hàng và công ty luật hàng đầu Phố Wall, bao gồm JPMorgan và Goldman Sachs. Tuy nhiên, có lẽ sẽ không dễ dàng cho một cuộc chia tách lịch sử của “gã khổng lồ” kiểm toán thế giới.
Theo Diendandoanhnghiep.vn