Mở rộng ra phía Bắc…
Mới đây, Dongwha Việt Nam, một đơn vị tại Việt Nam của nhà sản xuất vật liệu gỗ hàng đầu Hàn Quốc, Dongwha Enterprise, đã bắt đầu vận hành thương mại đầy đủ nhà máy sản xuất sàn gỗ và các sản phẩm ván gỗ MDF.
Mặc dù Dongwha đã tiến vào Việt Nam kể từ năm 2008. Nhưng, họ chỉ thành lập liên doanh với Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) do Nhà nước điều hành. Mãi đến năm 2020, Dongwha mới bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất độc lập đầu tiên tại Việt Nam. Nhà máy có diện tích 500.000m2, được đặt tại tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 180 tỷ won (152,6 triệu USD).
Theo công ty cho biết, nhà máy này chủ yếu sản xuất sàn gỗ công nghiệp và ván sợi mật độ trung bình (MDF) được sử dụng để làm đồ nội thất.
Và đến tháng 3 năm nay, Dongwha Việt Nam đã hoàn thành hạng mục sàn gỗ của nhà máy và bắt đầu sản xuất sau khi vận hành thử nghiệm vào tháng 4. Riêng phần sản xuất MDF của họ sau đó đã được hoàn thành vào tháng 6 và bắt đầu sản xuất vào tháng 9. Theo ước tính, nhà máy có khả năng sản xuất 370.000m2 sản phẩm MDF và 400.000m2 sàn gỗ công nghiệp mỗi năm.
Có thể nói, sự bùng nổ trong kinh doanh xây dựng ở miền Bắc Việt Nam đang là một yếu tố thuận lợi cho Dongwha. Thêm vào đó, việc Hà Nội đang tích cực thực hiện một dự án phát triển thành phố quy mô lớn ở khu vực phía Bắc, có thể sẽ đem lại tiềm năng tăng trưởng lớn cho thị trường vật liệu xây dựng, trong đó có MDF.
Toan tính của Dongwha Việt Nam
Trên thực tế, nhà sản xuất vật liệu gỗ hàng đầu Hàn Quốc, Dongwha đã tiến vào Việt Nam kể từ năm 2008, sau khi thành lập liên doanh VRG Dongwha với Tập đoàn Cao su Việt Nam – VRG.
Thời điểm đó, công ty liên doanh này đã xây dựng một nhà máy sản xuất gỗ với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, có quy mô lớn nhất châu Á, cùng tổng vốn đầu tư lên tới 125 triệu USD. Họ đang sở hữu máy ép ván MDF có chiều dài 47m, loại máy ép lớn và hiện đại nhất có mặt tại Việt Nam. Nguyên liệu chủ yếu là gỗ cao su, tràm, điều, thông được cung cấp từ các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Đắk Nông.
Đầu năm 2021, Tập đoàn của Hàn Quốc đã thống nhất với liên doanh và quyết định đầu tư mở rộng sản xuất với quy mô lớn, thiết bị dây chuyền số 3 có chiều dài hơn 55 mét, tổng vốn đầu tư khoản 120 triệu USD. Dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 3 năm 2023, nâng tổng công suất nhà máy tại Bình Phước lên 1,2 triệu m3 gỗ MDF/ năm. Đồng thời, thúc đẩy các dịch vụ của ngành gỗ Việt Nam ngày một lớn mạnh tại thị trường trong nước và quốc tế.
Trên thị trường gỗ công nghiệp MDF của Việt Nam, liên doanh VRG Dongwha đang chiếm đến 40% thị trường MDF ở miền Nam Việt Nam và tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, toan tính của Dongwha có lẽ không chỉ dừng lại ở việc tăng dần thị phần MDF tại miền nam Việt Nam, họ cũng đang nhắm tới mục tiêu chiếm 50% thị phần ở miền Bắc, ngay sau khi ổn định sản xuất tại nhà máy mới.
Ở thời điểm bắt đầu xây dựng nhà máy Kim Hong-jin, Giám đốc điều hành của Donghwa Enterprise, cho biết: “Công ty liên doanh của chúng tôi đã thống trị thị trường MDF ở miền Nam Việt Nam, và chúng tôi sẽ tiếp tục nâng tầm ảnh hưởng rộng khắp cả nước với việc hoàn thành nhà máy tại gần thủ đô Hà Nội”.
Trong khi đó, ổng Giám đốc của Dongwha Việt Nam, Kim Myung-sik cũng cho rằng, khoảng cách giữa miền Nam và miền Bắc Việt Nam là khoảng 1.700 km và liên doanh của họ đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường miền Bắc.
Chính vì vậy, thông qua việc xây dựng nhà máy gần Hà Nội, toan tính của liên doanh này là sẽ tập trung mục tiêu chiếm lĩnh thị trường ván MDF và sàn gỗ ở miền Bắc, đồng thời củng cố vị thế là công ty hàng đầu trong lĩnh vực ván gỗ và vật liệu xây dựng tại đây.
Cuộc đua “song mã” trên thị trường gỗ công nghiệp Việt Nam
Theo một con số thống kê cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, ngành gỗ công nghiệp Việt Nam có tốc độ phát triển mạnh mẽ, đạt bình quân trên 31%/năm. Trong đó, nổi lên là hai “gã khổng lồ” Gỗ An Cường và liên doanh VRG Dongwha, những doanh nghiệp chiếm hầu hết thị phần của thị trường gỗ công nghiệp Việt Nam.
Mặc dù có nhiều lợi thế khi liên doanh cùng với một trong những tập đoàn lớn nhất tại Việt Nam, VRG. Song, liên doanh VRG Dongwha lại chỉ xếp thứ hai về doanh thu trong thị trường gỗ công nghiệp, sau Gỗ An Cường, công ty hiện đang sở hữu hai cụm nhà máy cùng hệ thống kho bãi lên tới hơn 240.000 m2 tại Bình Dương và đang dẫn đầu về doanh thu tại thị trường Việt Nam với tốc độ tăng trưởng từ 25 – 30%/năm.
Giờ đây, cùng với việc vận hành nhà máy mới tại Thái Nguyên, Dongwha kỳ vọng sẽ thiết lập được sự hiện diện của mình với tư cách là người chơi thống trị trên thị trường sản xuất MDF tại Việt Nam. Điều này có lẽ là một trong những động lực “Bắc tiến” của Dongwha.
Theo Diendandoanhnghiep.vn