Doanh nghiệp bất động sản kiệt sức, mong được “trợ thở” qua mùa dịch

Doanh nghiệp bất động sản kiệt sức, mong được “trợ thở” qua mùa dịch - Ảnh 1.

Sau thời gian dài chống chịu với dịch COVID-19, nhiều DN bất động sản đang dần kiệt sức, không còn tiền để trả lãi vay, thậm chí phải “vay nóng” để trả lương nhân viên.

“Vay nóng” để trả lãi ngân hàng

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Doanh nghiệp bất động sản kiệt sức, mong được “trợ thở” qua mùa dịch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

HoREA cho rằng, sau hơn 1 năm nỗ lực chống chịu với đại dịch COVID-19 để tự cứu lấy mình, đến nay hầu hết các doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức. Thậm chí, một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, đứng trước nguy cơ bị phá sản nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời thêm.

Theo HoREA, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn đầu tiên là vướng mắc với một số quy định pháp luật và quy trình thủ tục hành chính chồng chéo đối với các dự án nhà ở thương mại.

“Nếu Nhà nước tháo gỡ các ách tắc, vướng mắc về thể chế, pháp luật thì doanh nghiệp và thị trường bất động sản sẽ từng bước phục hồi, phát triển trở lại sau khi kiểm soát được đại dịch”, HoREA nhận định.

Tuy nhiên, khó khăn cấp bách và đáng quan ngại nhất là thiếu dòng tiền. HoREA ví von dòng tiền tương tự như oxy, khi doanh nghiệp bất động sản thiếu “oxy dòng tiền”, không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ sẽ bị ngộp thở ngay lập tức.

Đơn vị này cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào hoàn cảnh không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động, không còn tiền để cầm cự qua giai đoạn quá khó khăn này. Nhiều công trình xây dựng phải dừng thi công, thiếu sản phẩm trong lúc thị trường bị đứng hình, giao dịch bị sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm…

Không ít doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi, thậm chí phải “vay nóng” để trả lương, để duy trì hoạt động và trả lãi ngân hàng, đặc biệt là các khoản vay tín dụng đến hạn. Bởi theo quy chế hoạt động của ngân hàng, nếu không trả được các khoản vay đáo hạn thì ngay lập tức ngân hàng “tự động” chuyển sang “nợ xấu”, hoặc nhóm “nợ xấu hơn”, mà đã bị xếp loại “nợ xấu, nhóm nợ xấu hơn” thì doanh nghiệp sẽ lâm vào “bế tắc” vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới để vượt qua khó khăn…

“Việc thiếu dòng tiền liên quan trực tiếp đến vướng mắc về tín dụng vì trong lúc này, lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hàng tháng”, HoREA nhận định.

Cũng HoREA, kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản” là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi doanh nghiệp phải đương đầu, mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến “thiếu dòng tiền”, nên doanh nghiệp có thể bị “chết trên đống tài sản” của mình.

Đề nghị giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, những năm qua, hầu như các doanh nghiệp bất động sản chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro. Trong khi lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 7 – 8% GDP cả nước, có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động.

“Việc được tiếp cận tín dụng lúc này chính là những bình oxy cấp cứu cho doanh nghiệp bất động sản đang gặp nguy và điều này phải trông cậy vào “máy trợ thở dòng tiền” từ nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại”, HoREA khẳng định.

Do đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng (doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân). Điều này được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (do Thông tư 03/2021/TT-NHNN chỉ quy định kéo dài đến 31/12/2021), nhất là việc xem xét cho khách hàng được vay vốn mới.

Đặc biệt, ngân hàng Nhà nước xem xét cho khách hàng được vay vốn mới để hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Vay vốn mới sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

HoREA cũng kiến nghị các ngân hàng thương mại xem xét xây dựng lại cơ chế xác định lãi suất cho vay để vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, vừa xây dựng thị trường tín dụng phát triển bền vững, vừa hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trên cơ sở lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm.

Theo VTV

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo