“Cú huých” cho ngành gỗ từ logistics

                                                       Chi phí logistics tăng cao gây khó khăn cho ngành gỗ xuất khẩu.

Bên cạnh những mặt tích cực đang tạo cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp gỗ là những khó khăn, thách thức đan xen. Ðó là, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, nhất là chi phí vận chuyển, logistics tăng liên tục thời gian qua, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại…

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định phê duyệt Ðề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đặt mục tiêu chung đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 18,5 tỷ USD; 25 tỷ USD vào năm 2030. Trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Ðể đạt được những mục tiêu của đề án, ngành gỗ đã và đang nỗ lực vượt bậc, trong đó đặt ra hai vấn đề then chốt cần giải quyết cả trước mắt và lâu dài là giá nguyên liệu và lưu thông hàng hóa. Về tình hình xuất khẩu gỗ ba tháng đầu năm và triển vọng trong năm 2022, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý I/2022 vẫn ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho rằng, nhờ các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương Việt Nam đã tham gia mà ngành chế biến gỗ trong nước đã có nhiều đơn hàng được ký kết, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác.

Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường chính sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang gia tăng công suất để kịp tiến độ các đơn hàng đã ký đến hết quý II/2022. Trong tháng 3, mức tăng trưởng của ngành gỗ có dấu hiệu giảm nhẹ nhưng vẫn là con số cao so với thời điểm 2021. Nếu giữ được bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỷ USD/tháng thì kế hoạch đặt ra của ngành gỗ năm nay khoảng 16,5 tỷ USD là hoàn toàn khả thi.

Tuy đã hoàn thành, thậm chí vượt mục tiêu về xuất khẩu đã đặt ra, nhưng theo các chuyên gia, phía trước đang còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dễ dẫn đến rủi ro cao cho ngành gỗ. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, khó khăn lớn nhất trước mắt vẫn là tác động của dịch Covid-19. Tại Việt Nam tác động đó đã giảm bớt, có sự thích ứng an toàn để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh ở những thị trường khác cũng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt hiện nay dịch bệnh bắt đầu gia tăng tại Trung Quốc. Với chính sách chống dịch “zero Covid” như hiện nay, khi có các ca bệnh, Trung Quốc sẵn sàng phong tỏa cả một thành phố hay trung tâm sản xuất. Nếu những khu vực đó đang cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản cho Việt Nam, sẽ có tác động rất xấu.

Về vận chuyển, logistics, hai năm vừa qua tác động của dịch bệnh đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao, đến nay chưa có dấu hiệu giảm. Ngoài ra, những khó khăn có thể sẽ đến do xung đột Nga-Ukraine, mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Nga, với Ukraine chưa phải lớn, song đây cũng là hai quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản cho doanh nghiệp trong nước trong đó có các doanh nghiệp ngành gỗ… Ðó chính là những mối lo lớn đang rình rập, sẵn sàng gây nguy hại cho ngành gỗ, nếu các doanh nghiệp không chủ động, tích cực trong chiến lược sản xuất của mình.

Ðặc thù của ngành gỗ xuất khẩu là mặt hàng có kích thước lớn,  đóng hàng cồng kềnh, chi phí đóng gói và vận chuyển cao, thị trường chủ yếu là các nước châu Âu. Logistics luôn chiếm tỷ lệ 20-30% chi phí của ngành gỗ. Vì vậy, sự bảo đảm  ổn định trong khâu lưu thông luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, chi phí nhập khẩu nguyên liệu của ngành chế biến gỗ tăng đột biến, trong đó riêng gỗ sồi tăng tới 28%, các mặt hàng gỗ tròn, gỗ xẻ tăng hơn 40%… đã gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận cuối cùng của ngành gỗ. Hiện nay, tình trạng tắc nghẽn công-ten-nơ và logistics vẫn chưa có hồi kết. Ðể thích ứng với tình hình, các doanh nghiệp ngành gỗ đã tìm cách tăng vốn, tăng cường tìm thị trường nhập khẩu, cùng mua chung, cùng hợp tác đàm phán để có giá cả tốt nhất, đồng thời đặt ra các chiến lược dài hạn hơn. Chính vì cách tiếp cận mới đó, nhiều doanh nghiệp gỗ đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho hết năm 2022, thậm chí cả năm 2023. Ðây là những tín hiệu đáng mừng. Ðể đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa và dịch vụ logistics. Qua đó chủ động được giá cả và sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Xác định được tầm quan trọng của logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó có ngành gỗ. Mới đây, HAWA và VLA đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quan trọng trong việc hỗ trợ, hợp tác các doanh nghiệp gỗ về dịch vụ logistics. Phó Chủ tịch VLA Ðào Trọng Khoa cho biết, thời gian qua các dịch vụ logistics đã gặp nhiều khó khăn và thách thức, trong khi vai trò của dịch vụ này như xương sống, mạch máu cho hoạt động thương mại toàn cầu. Mặc dù đã có nhiều cố gắng để vượt khó khăn đáp ứng việc cung ứng vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp, trong đó có các mặt hàng gỗ nhưng những kết quả đạt được của sự nỗ lực ấy vẫn chưa như mong muốn.

Có thể thấy, logistics có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển thương mại quốc tế, giảm bớt chi phí và thủ tục vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Ở nước ta, dịch vụ logistics có đóng góp không nhỏ với nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng như cơ sở vật chất của  logistics còn yếu, vì vậy trong tương lai, việc đầu tư cho lĩnh vực  này là điều cần được chú trọng. Ðích đến trong thời gian tới, các hoạt động logistics phải tăng cường nâng cao năng lực hơn nữa để đồng hành cùng với các đơn vị xuất nhập khẩu, tạo “cú huých” cho hoạt động xuất nhập khẩu bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam…

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo