Công tác kiểm tra, giám sát hải quan trong tháng 8

Trong tháng 8/2021, Tổng cục Hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai công tác xây dựng bài toán nghiệp vụ về Hệ thống hải quan thông minh. Đồng thời, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị gián đoạn trong tình hình dịch bệnh Covid-19, cụ thể:

Giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái: Để tháo gỡ, giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, ngày 02/8/2021, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh[4] phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn triển khai áp dụng thủ tục hải quan tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Khuyến khích việc thông quan tại cảng Cái Mép – Thị Vải và bàn phương án thành lập Chi cục Hải quan để thông quan hàng hóa ngay tại cảng Cái Mép – Thị Vải, giảm tải cho cảng Cát Lái. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã chủ trì thống nhất với các cơ quan chuyên ngành cho phép doanh nghiệp nộp bản chứng thư “scan” bằng đường điện tử trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và bổ sung bản gốc sau…

Bên cạnh đó, ngày 19/8/2021, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính[5] dự thảo Thông tư Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Ban hành Công văn số 3695/TCHQ-GSQL ngày 22/7/2021 về kiểm tra bảo quản hàng hoá trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp; Công văn số 3980/TCHQ-GSQL ngày 11/8/2021 về việc hỗ trợ thông quan hàng hoá phòng chống dịch Covid-19, theo đó chỉ đạo thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu (đặc biệt là hàng hoá phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19) tại 3 cấp. Thành lập Tổ phản ứng nhanh để thực hiện thông quan ngay trong ngày các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc-xin, sinh phẩm xét nghiệm và Tổ thường trực chống ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp trong cao điểm dịch Covid-19” để giải đáp nhiều vướng mắc về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý đối với mặt hàng cá tầm nhập khẩu: Ngày 29/7/2021, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3793/TCHQ-GSQL trả lời Bộ Công thương về phản ánh của Trung Quốc liên quan đến việc xuất khẩu cá tầm sang Việt Nam. Ngày 13/8/2021, Tổng cục Hải quan đã tham gia cuộc Họp trực tuyến song phương giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn[6] và đại diện phía Trung Quốc[7] về vướng mắc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam. Phía Trung Quốc đề xuất phía Việt Nam rút ngắn thời gian thông quan cá tầm Trung Quốc và đưa cá tầm lai vào Danh mục được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trả lời phía bạn sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền về đề nghị của phía bạn và sẽ nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Về quản lý xuất xứ và sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: Thực hiện phân tích, xác định rủi ro đối với một số nhóm mặt hàng để chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Trao đổi ý kiến với Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến xử lý nhãn hiệu thuốc lá Luffman. Ban hành các văn bản hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố: (i) thực hiện việc nộp C/O bản scan, bản điện tử và tra cứu trên hệ thống đối với C/O mẫu VK, KV[8]; (ii) thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu thuốc lá Luffman. Hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh biên giới với Campuchia thực hiện kiểm tra xuất xứ đối với mặt hàng điều thô nhập khẩu[9] và hướng dẫn Cục Hải quan Bình Dương xử lý vướng mắc về xuất xứ hàng hóa khi thực hiện Hiệp định Việt Nam-Vương quốc Anh và Bắc Ailen[10].

Về công tác quản lý, sử dụng seal định vị điện tử phục vụ công tác giám sát hàng hóa chịu sự giám sát hải quan: Với số lượng 2.000 seal định vị điện tử đã trang bị, triển khai tại 14 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, công tác quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển chịu sự giám sát hải quan đã được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi đến Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến. Tổng số lượng seal sử dụng năm từ đầu năm 2021 đến nay: 14.823 lượt.

Về công tác quản lý kho, bãi, địa điểm kiểm tra hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP: Hiện nay Tổng cục Hải quan đang tiến hành rà soát lại toàn bộ các kho, bãi, cảng trên toàn quốc và thống kê các kho, bãi, cảng cơ bản đáp ứng các yêu cầu quản lý, giám sát đối với hàng hóa để xem xét gia hạn thời gian thực hiện xây dựng kho, bãi, cảng đảm bảo theo yêu cầu tại các Công văn[11] hướng dẫn. Đối với việc tiêu hủy hàng quá hạn gửi kho ngoại quan hiện đang lưu giữ tại cửa khẩu xuất, Tổng cục Hải quan đã đề xuất bổ sung nội dung vào Nghị định sửa đổi bổ sung Nghi định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 để có cơ sở giải quyết thủ tục với các trường hợp này sau khi Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được ban hành.

B.Khánh

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo