Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy sợi gai An Phước, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Gai xanh là cây bản địa của Việt Nam, đã được nhân dân sử dụng làm đồ may mặc từ lâu đời. Cây gai xanh chủ yếu được chế tạo thành bông sợi cao cấp phục vụ ngành dệt, may. Trước xu hướng phát triển của ngành dệt, may cũng như xu hướng tiêu dùng của các thị trường cao cấp, việc phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh đang được các địa phương phía bắc quan tâm thực hiện.
Riêng những nơi có năng suất từ 1.000kg trở lên, lợi nhuận đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Có những gia đình ở các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Hoằng Hóa cho thu hoạch 5 lần/năm, sản lượng đạt từ 4.000 đến 5.000kg/ha, lợi nhuận đạt từ 135 đến 150 triệu đồng/ha/năm. Chị Phạm Thị Thanh, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy bộc bạch: “Ban đầu, gia đình tôi trồng cây gai xanh, bán nguyên liệu thô nên hiệu quả chưa cao. Sau khi cán bộ khuyến nông và doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, thu nhập từ loài cây này đã cao hơn. Ba năm qua, gia đình tôi dần mở rộng diện tích trồng cây gai lên hơn 9ha, trong đó diện tích cây gai lưu gốc cho thu hoạch ba lứa/năm”.
So với một số địa phương phía bắc, cây gai xanh có mặt ở Hòa Bình muộn hơn nhưng do được trồng một cách khoa học, có sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan chuyên môn, nên loại cây này từng bước phát huy giá trị. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Vương Ðắc Hùng cho hay, đến nay nông dân trong tỉnh đã trồng được 160ha cây gai xanh tại các huyện Lạc Sơn, Ðà Bắc và thành phố Hòa Bình.
Hiện trên địa bàn có ba hợp tác xã là đối tác của Công ty cổ phần nông nghiệp An Phước trong phát triển vùng nguyên liệu; ký hợp đồng với hộ dân về cung ứng vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, thu hoạch, bao tiêu vỏ cây gai theo giá thỏa thuận. Trung bình một năm, kể từ khi trồng, cây gai xanh cho thu hoạch 4 lứa, sản lượng đạt 2,6 đến 2,8 tấn, doanh thu 100 đến 110 triệu đồng/ha. Ðối với cây gai trồng trên đất bãi cho năng suất 3,3 đến 3,5 tấn, thu nhập 130 đến 140 triệu đồng/ha. Trồng cây gai xanh đạt thu nhập cao hơn từ 2,5 đến 4 lần so với các cây trồng truyền thống như ngô, sắn, mía.
Cũng theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, ưu điểm nổi bật trong sản xuất cây gai xanh là hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác trên cùng một vùng đất từ 20 đến 60 triệu đồng/ha/năm. Loại cây này trồng một lần nhưng cho thu hoạch nhiều năm, dễ trồng, ít sâu bệnh, thích hợp trên nhiều vùng đất khác nhau; gắn kết chặt chẽ giữa trồng trọt, thu mua, chế biến và tiêu thụ nên từng bước hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành cơ chế chính sách phát triển cây gai xanh với các nội dung như: hỗ trợ 10 triệu đồng/ha khi chuyển đổi đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng gai, hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để mua giống cây gai xanh nguyên liệu khi trồng mới; hỗ trợ kinh phí mua máy tước vỏ gai với mức 5 triệu đồng/máy cho tổ chức hoặc hộ gia đình có từ một ha gai nguyên liệu trở lên. Một số địa phương đã ban hành cơ chế hỗ trợ để khuyến khích phát triển cho thành viên hợp tác xã trồng mới cây gai xanh và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm…
Hiện cả nước có 173 làng nghề thêu và dệt đã được công nhận. Nguyên liệu thêu, dệt gồm có tơ tằm, sợi bông, sợi lanh… và gần đây là sợi gai (từ cây gai xanh). Ðây là cơ hội để phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, không chỉ bảo đảm nguyên liệu cho ngành dệt may mà còn giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, thứ nhất, các địa phương cần quy hoạch vùng trồng tập trung gắn với các nhà máy sơ chế, chế biến sợi nhằm bảo đảm nguồn cung và chất lượng nguyên liệu cho các làng nghề dệt.
Thứ hai, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới người dân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi dần tư duy tiểu nông, chuyển sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiện đại, bền vững gắn với thị trường tiêu thụ là các công ty dệt may và các làng nghề dệt truyền thống.
Thứ ba, xây dựng chuỗi liên kết giữa người sản xuất, đơn vị chế biến sợi từ cây gai xanh, các làng nghề dệt thổ cẩm và các đơn vị bao tiêu sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cây gai xanh. Thứ tư, phối hợp với các đơn vị cung ứng giống cây gai xanh để tổ chức, đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người trồng nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm gắn với yêu cầu sử dụng nguyên liệu trong các làng nghề dệt truyền thống.
Mới đây, tại hội thảo phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may tại một số tỉnh phía bắc do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, gai xanh là cây trồng có hiệu quả kinh tế. Các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu và có chính sách phát triển phù hợp để đưa cây gai xanh trở thành cây trồng chủ lực, từ đó giúp nông dân, nhất là địa bàn miền núi phía bắc làm giàu bằng loại cây này. Các địa phương cần đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó quan tâm đến quy trình canh tác, giống, cơ giới hóa, công nghệ chế biến.
Theo Nhandan