Muốn đổi mới, phát triển phải sắp xếp lại
PV: Xin ông cho biết điểm mới hay thông điệp chính của Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn tới đây là gì?
Ông Đặng Quyết Tiến: Đề án này khi được thông qua và ban hành sẽ đưa ra một thông điệp rõ ràng là trách nhiệm chính thuộc về DN và cơ quan chủ sở hữu, từ đó tạo cho họ áp lực và cả động lực. Áp lực là không thể đổ lỗi cho Chính phủ, cho cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành danh mục cụ thể. Chính phủ đã ban hành lộ trình 2021 – 2025 để thực hiện, nhưng làm chưa xong thì nay sẽ làm tiếp. Còn thời điểm, phương thức thế nào do DN và cơ quan chủ sở hữu chọn và quyết định cho phù hợp với hoạt động của DN.
Ông Đặng Quyết Tiến |
Đồng thời, Đề án cũng gắn rõ trách nhiệm, đã đăng ký thì phải làm, không làm được phải chịu trách nhiệm, tránh việc không rõ trách nhiệm thuộc về ai như trước kia. Một trong những tồn tại trước đây là người giao nhiệm vụ thì lại giao theo mệnh lệnh hành chính, người thực thi không đăng ký theo đúng kịch bản của họ, do đó khi xảy ra chậm trễ thì cơ quan đại diện chủ sở hữu lại đề nghị điều chỉnh tiến độ. Nhiều chính sách chưa ban hành kịp, nên DN thực hiện cũng khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ đã ban hành đầy đủ hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn bám sát cơ chế thị trường và thực tiễn của các DN, cơ bản tháo gỡ hết khó khăn vướng mắc trước đây như về định giá giá trị thương hiệu, giá trị văn hóa lịch sử, phương án sử dụng đất… Với cơ chế, thể chế đã đầy đủ, phù hợp với thực tiễn, lộ trình rõ ràng hơn, đã được phân cấp, giao trách nhiệm cho DN, thì trách nhiệm cuối cùng ở đây là cơ quan chủ sở hữu của DN, muốn đổi mới, muốn phát triển thì phải sắp xếp lại DN và cổ phần hóa hay thoái vốn chỉ là những giải pháp gợi mở.
Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp
PV: Như vậy là sẽ không còn việc đặt ra kế hoạch cho doanh nghiệp khi nào phải hoàn thành và đánh giá việc hoàn thành, thưa ông?
Ông Đặng Quyết Tiến: Với Đề án này sẽ không đặt kế hoạch cho DN mà DN tự đăng ký, tự đặt thời gian thực hiện, chứ không phân bổ như các năm trước. DN đăng ký thời điểm nào thực hiện cổ phần hóa cũng được miễn là hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025, phù hợp với tiến độ công tác cổ phần hóa và thoái vốn trong đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2021 – 2025 chung. Khi DN đã đăng ký thì sẽ công bố công khai và đã đăng ký thì phải thực hiện. DN có thể đăng ký kế hoạch từng năm hoặc cho cả giai đoạn.
Đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại, nhất là trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước và xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Việc đánh giá mức độ hoàn thành sẽ dựa trên đăng ký của DN. Khi đã đăng ký sẽ thấy ai quyết tâm là làm được, ai chần chừ trông đợi sẽ rõ và như thế cũng rõ trách nhiệm của ai. Vừa qua, khi có vấn đề gì thì có những lý do được đưa ra như là do thể chế, cơ chế chưa theo kịp thực tiễn, do kế hoạch của Chính phủ không khả thi….
Cũng có quan điểm cho rằng hãy để DN tự làm, theo cơ chế thị trường. Chính phủ và các cơ quan quản lý DN thông qua các văn bản pháp quy, luật lệ và giám sát, kiểm tra, đôn đốc chứ không can thiệp vào hoạt động của DN. Tôi cho rằng quan điểm là đúng, chúng ta phải trao lại sự chủ động cho DN và cùng với đó gắn trách nhiệm cho họ.
Cơ chế mới sẽ thấy rõ “ai quyết tâm, ai chần chừ”
PV: Khi đó thì trách nhiệm của người đứng đầu có phải sẽ nặng nề hơn hay không, thưa ông? Và chúng ta đánh giá hiệu quả doanh nghiệp thế nào?
Ông Đặng Quyết Tiến: Quyền được trao nhiều hơn khi phân cấp mạnh hơn, và trách nhiệm của người đứng đầu sẽ phải gắn thực sự với quyền nhiều hơn đó. Như tôi đã nói, lúc này sẽ thấy rõ ai quyết tâm, ai còn chần chừ.
Còn về hiệu quả, sẽ đánh giá theo tổng thể 5 năm chứ không theo từng năm. Bởi cổ phần hóa những tập đoàn và tổng công ty lớn đều cần thời gian đủ lâu để chuẩn bị các thủ tục và chọn cổ đông chiến lược, chọn thời điểm đưa ra bán để có giá tốt nhất, có khi phải mất 2 – 3 năm chuẩn bị. Khi chuẩn bị xong, đăng ký cổ phần hóa, thì khi quyết định cổ phần được ký là phải hoàn thành trong 18 tháng theo quy định. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát đánh giá trên cơ sở sau khi đã chốt thời điểm cổ phần hóa, trong 18 tháng đó phải xong, nếu không là không hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn.
Trước kia, có quy định cụ thể phải làm trong năm nào, nhưng DN nói chưa chuẩn bị xong nên không làm được, có những đề án vừa làm vừa xử lý dẫn đến kéo dài 4-5 năm không xong, hoặc có DN sau cổ phần hóa đến 7,8 năm hoặc lâu hơn vẫn chưa quyết toán xong… Những bất cập đó, trong quá trình hoàn thiện thể chế Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp khắc phục, và Chính phủ đã ban hành tiêu chí. Tới đây, các nội dung đưa vào đề án cũng theo hướng này.
Nâng cao hiệu quả, tự khắc sẽ trở thành “sếu đầu đàn”
PV: Song song với Đề án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang hoàn thiện Đề án phát triển DNNN quy mô lớn. Vậy thì việc cơ cấu lại DNNN sẽ tác động đến vai trò dẫn dắt của DNNN tới đây ra sao, thưa ông?
Ông Đặng Quyết Tiến: Về vai trò của DNNN, Nghị quyết Trung ương đã nêu rõ, đó là phải nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đi đầu về đổi mới sáng tạo… Và mục tiêu của Đảng, Nhà nước khi cơ cấu lại DNNN là để đạt được những yêu cầu đó. Khi DNNN đã đạt được những yêu cầu đó thì tự khắc sẽ trở thành DN dẫn dắt, thành “sếu đầu đàn”. Bởi khi DNNN có quy mô lớn, nguồn lực lớn rồi, lại được đổi mới về quản trị, nâng cao hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin thì chắc chắn sẽ thành DN mạnh và khi đã mạnh sẽ trở thành người dẫn dắt mở đường… Tại báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ 13 đã nêu, DNNN trong những lĩnh vực quan trọng có nhiệm vụ dẫn dắt các thành phần kinh tế khác cùng phát triển và nắm giữ những lĩnh vực mà DN các thành phần kinh tế khác không làm.
Qua quá trình cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, DNNN với lợi thế về nguồn lực, quy mô sẽ đi trước đón đầu. Nhờ khả năng đầu tư vào những dự án lớn, dự án khó thì DNNN có thể tiếp cận các chính sách ưu đãi mà các DN khác khó làm được, từ đó nắm vai trò dẫn dắt.
PV: Xin cảm ơn ông!
“Sếu đầu đàn” không phải để thành “cá mập”
Bản chất ý nghĩa “sếu đầu đàn” mà Chính phủ đưa ra đó là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn hoạt động theo cơ chế thị trường, gắn với hiệu quả và năng lực cạnh tranh, nhưng gắn với quy mô lớn, nguồn lực lớn thì họ sẽ được hưởng nhiều nhất những chính sách ưu đãi của Nhà nước theo đúng quy định pháp luật. Nhờ đó, họ càng bật lên thành doanh nghiệp (DN) đi đầu. Nhưng khác với DN tư nhân, khi lớn mạnh sẽ thâu tóm các DN nhỏ, trở thành “cá mập”, thì DNNN lớn mạnh sẽ là DN đi trước, mở đường, tạo chuỗi, tạo hệ sinh thái cho DN nhỏ tham gia và phát triển. Đó mới chính là ý nghĩa của “sếu đầu đàn”. |