Chiến lược quay về cốt lõi của Alibaba

q.png

Động thái này cho thấy sự quyết tâm cao của Alibaba trong chiến lược quay về cốt lõi thương mại điện tử.

Tập đoàn Alibaba cho biết sẽ bán đi chuỗi cửa hàng bách hóa Intime tại Trung Quốc và chịu khoản lỗ 1,3 tỷ đô la từ thương vụ này, một bước đi tiếp trong tiến trình gã khổng lồ bán lẻ này sắp xếp lại danh mục đầu tư kinh doanh để tập trung vào hoạt động cốt lõi của mình, là thương mại điện tử.

q.png
                                             Alibaba bán đi chuỗi cửa hàng bách hóa

Việc bán này đánh dấu bước đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cấu trúc của Alibaba sau khi tập đoàn này chia thành sáu đơn vị kinh doanh vào năm ngoái trong đợt cải tổ lớn nhất từ trước đến nay, và sau đó công bố một loạt thay đổi trong ban quản lý cấp cao.

Tháng trước, công ty đã công bố kế hoạch tích hợp các nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế thành một đơn vị kinh doanh duy nhất do một người lãnh đạo điều hành lần đầu tiên, trong bối cảnh công ty đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà bán lẻ giảm giá trong và ngoài nước.

Các nền tảng đối thủ như Pinduoduo và Temu của PDD Holdings, cùng với Douyin và TikTok của ByteDance, đã tăng cường cạnh tranh với Alibaba bằng cách nhắm mục tiêu đến những người mua sắm quan tâm đến chi phí với mức giá cực thấp cho mọi thứ, từ đồ điện tử đến quần áo.

Môi trường tiêu dùng đầy thách thức của Trung Quốc đã gây áp lực lên tất cả các nhà bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử.

Theo ông Jianggan Li, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu và đầu tư mạo hiểm Momentum Works, thì Alibaba không thực sự chú ý đến việc bán lẻ thực địa, cho nên cũng không thực hiện tốt được việc đó.

Vấn đề bây giờ là việc tìm được đúng người mua với mức giá phù hợp cho các tài sản thực địa vẫn là một thách thức cho Alibaba.

Đến hôm qua, Alibaba cho biết họ sẽ bán Intime cho một tập đoàn bao gồm Youngor Fashion và các thành viên trong nhóm quản lý của Intime với giá 7,4 tỷ nhân dân tệ (1,02 tỷ đô la), tùy thuộc vào các phê duyệt theo quy định thông thường.

Alibaba đã mua Intime vào năm 2017 trong một thỏa thuận trị giá 2,6 tỷ đô la để mở rộng sang phân khúc bán lẻ truyền thống và hiện nắm giữ 99% cổ phần trong doanh nghiệp này.

Vào hồi tháng 2, truyền thông đã đưa tin rằng gã khổng lồ thương mại điện tử này đang tìm cách bán một số tài sản trong lĩnh vực tiêu dùng, bao gồm Intime, doanh nghiệp kinh doanh tạp hóa Freshippo và nhà bán lẻ RT-Mart để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Vào thời điểm đó, Chủ tịch Alibaba Joe Tsai đã nói với các nhà phân tích rằng mặc dù việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp là hợp lý, nhưng điều kiện thị trường đầy thách thức có nghĩa là sẽ mất thời gian.

Alibaba, dưới thời cựu giám đốc Daniel Zhang, đã mở rộng sự hiện diện của mình trong lĩnh vực bán lẻ bằng cách tiếp quản một số chuỗi cửa hàng truyền thống, bao gồm nhà bán lẻ đồ điện tử Suning và nhà điều hành siêu thị Sun Art Retail, đơn vị điều hành RT-Mart. Nhưng họ đang phải quay về mảng cốt lõi của mình là thương mại điện tử dưới sức ép cạnh tranh của các đối thủ đồng hương.

Những năm 2019, Alibaba chiếm thị phần áp đảo. Thế nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi đáng kể, các đối thủ như Pinduoduo hay Douyin phát triển mạnh mẽ, tạo nên mối đe dọa lớn cho Alibaba. Hồi năm ngoái, PDD Holdings, công ty mẹ của Temu, thậm chí còn soán ngôi Alibaba để trở thành công ty có giá trị cao nhất trong số những công ty Trung Quốc được niêm yết tại sàn chứng khoán Mỹ.

Hiện nay, Alibaba vẫn dẫn đầu về chỉ số Tổng giá trị hàng hóa (GMV), nhưng tốc độ tăng trưởng, cả doanh thu lẫn GMV, đều chậm đi khá nhiều trong khi các đối thủ đang ngày càng có chỗ đứng hơn.

Cuối năm 2023, sau một thời gian dài im ắng, Alibaba đã cho Taobao bắt đầu phát sóng hàng loạt đoạn livestream bán hàng trên khắp Trung Quốc. Trước đó CEO của Taobao Tmall Commerce Group khẳng định họ sẽ tiếp tục đầu tư phát triển nội dung xoay quanh mua sắm, tiêu dùng và cuộc sống hằng ngày. Hồi cuối tháng 5, trong cuộc họp lãnh đạo Taobao Tmall Commerce Group, Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba, đã kêu gọi tập đoàn nên tập trung trở lại vào phát triển Taobao, người dùng và internet. Hay có thể nói, họ muốn quay về gốc rễ TMĐT của mình.

Tháng 7 vừa qua, Alibaba quyết định miễn phí giao hàng xuyên biên giới nhiều nước trong khu vực. Kết quả là, sau 5 tháng, chiến lược “miễn phí giao hàng” này đã giúp thúc đẩy mức tăng trưởng gần 40% theo năm về tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) ở nước ngoài cho danh mục thời trang của Taobao.

Bây giờ, với động thái bán đi chuỗi cửa hàng thực địa, có thể thấy quyết tâm tập trung vào thương mại điện tử của Alibaba cao như thế nào.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo