Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được thi công trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái triển khai trong tâm thế đầy tự hào, khi cuối năm 2018, Quảng Ninh khánh thành cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn, được Bộ GTVT và Chính phủ đánh giá là kỳ tích, sự đột phá mới mẻ, là địa phương điển hình về xây dựng hạ tầng giao thông trong toàn quốc và là nơi khởi phát các ý tưởng phát triển.
Tuy nhiên, thời gian triển khai dự án, bên kia biên giới dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và lan rộng toàn cầu. Hàng loạt giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh được triển khai, trong đó có cả giãn cách xã hội…, điều này đã khiến công tác tổ chức thi công dự án gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm, công trường vào thế bế tắc khi phương án tài chính của nhà đầu tư vướng mắc; công tác GPMB với diện tích lớn nhất từ trước đến nay với gần 190ha phải thu hồi trong thời gian ngắn, liên quan đến hàng nghìn hộ dân và nhiều công trình công cộng khác; các yếu tố kỹ thuật phức tạp, thiều nguồn nhân lực, giá nguyên vật liệu liên tục tăng và thời tiết cực đoan kéo dài…
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Con đường của “Lòng dân – Ý Đảng”, hàng nghìn hộ dân dọc tuyến đã đặt niềm tin, kỳ vọng với sự phát triển mới khi con đường hình thành; áp lực tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh phụ thuộc rất nhiều vào các công trình xây dựng; niềm tin, lời hứa với nhân dân không để “đứt gãy” sự phát triển đã buộc tỉnh phải có sự nhìn nhận đúng đắn và những giải pháp phù hợp, kịp thời.
Để đảm bảo phương án tài chính, tháng 7/2020, tỉnh đã tách cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thành 2 dự án độc lập, gồm: Vân Đồn – Tiên Yên triển khai đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và Tiên Yên – Móng Cái đầu tư theo hình thức BOT; phát động Chiến dịch “30 ngày đêm” hoàn thành công tác GPMB và đã hoàn thành chỉ với 15 ngày đêm; vận hành cao nhất cơ chế phòng, chống dịch với kịch bản, quy trình linh hoạt, chuyển công trường sang trạng thái khép kín; khắc phục khó khăn về giá nguyên vật liệu tăng bằng việc bổ sung nhà thầu có năng lực, thực hiện điều chuyển khối lượng, hạng mục giữa các gói thầu khác nhau…
Lần lượt những khó khăn đã được giải quyết, dự án bắt kịp tiến độ, Quảng Ninh đã hoàn thành lời hứa với nhân dân khi đưa công trình vào sử dụng trong năm 2022. Tuyến đường có nhiều giá trị khác biệt, nổi trội, được kỳ vọng, tin tưởng về hiệu quả to lớn trên các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhận được nhiều tình cảm, sự quan tâm, đánh giá của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ quan quản lý…
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái nhìn từ trên cao.
Còn 2 tuần nữa, nhân dân sẽ được đi trên tuyến cao tốc ven biển đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Tuyến đường đưa vào sử dụng kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể với cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (gần 600km) và Quảng Ninh là tỉnh có số km cao tốc lớn nhất cả nước (176km/1.046km). Đây cũng là tuyến đường sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối nhất (35 cây cầu) để giảm thiểu tác động đến hệ thống rừng ngập mặn, môi trường xung quanh tuyến.
Bên cạnh đó, đây còn là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối đồng bộ với 3 sân bay quốc tế (Nội Bài – Cát Bi – Vân Đồn); hệ thống cảng biển và logistics, các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn; các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu với cửa khẩu quốc tế Móng Cái tạo ra những lợi thế so sánh khác biệt. Tuyến đường kiến tạo ra các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, mở ra không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới, động lực mới để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương… Qua đó, tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng về 3 đột phá chiến lược, hợp tác công – tư (PPP); sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ý chí vượt lên, tự lực, tự cường, tư duy đổi mới, khát vọng phát triển của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh Quảng Ninh và sự tâm huyết, trách nhiệm của nhà đầu tư BOT…
Theo Báo Quảng Ninh