Cảnh báo rủi ro khi thực hiện hợp tác công – tư

Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu đầu tư cho các dự án hạ tầng là rất lớn. Hình thức hợp tác công – tư (PPP) được xem là một trong những giải pháp chủ lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong bối cảnh hiện nay.

Các dự án PPP thường có giá trị lớn, thời gian thực hiện, vận hành dài nên cũng không tránh khỏi những rủi ro, tranh chấp trong quá trình thực hiện. Do vậy, phải có cơ chế đảm bảo an toàn, bền vững của các dự án. Việc xử lý hài hòa lợi ích của các bên, sớm thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro có thể dẫn tới tranh chấp là rất quan trọng.

Mặt khác, khi quản lý các dự án PPP đạt hiệu quả, không xảy ra tranh chấp trong quá trình triển khai thực hiện sẽ góp phần tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư, từ đó thu hút mạnh mẽ hơn sự tham gia của khối tư nhân vào phát triển hạ tầng của đất nước. Hợp tác PPP không chỉ phát huy tiềm lực tài chính mà còn cả về công nghệ và quản trị, là “chìa khóa vàng” trong việc khơi thông nguồn vốn để đầu tư các dự án trọng điểm.

Theo ông Đoàn Tiến Giang (chuyên gia quốc tế về PPP, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ – USAID), các loại tranh chấp phổ biến trong khi thực hiện hợp đồng PPP thường gặp là tranh chấp phát sinh từ thỏa thuận giữa các nhà đầu tư tư nhân và các cơ quan nhà nước ký kết hợp đồng; tranh chấp về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; tranh chấp giữa các nhà đầu tư tư nhân và các cơ quan nhà nước liên quan trong các lĩnh vực môi trường, thu hồi đất, thuế quan và chính sách tài chính; tranh chấp phát sinh từ thỏa thuận cho vay; tranh chấp phát sinh từ hợp đồng với các nhà đầu tư phụ và các bên cung ứng.

TS Lê Đình Vinh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam ( VIAC) cũng cho rằng, khi triển khai các dự án PPP về lĩnh vực hạ tầng, thường gặp các rủi ro như: rủi ro trong đầu tư (đền bù, giải phóng mặt bằng); rủi ro trong xây dựng (đội chi phí, chậm tiến độ); rủi ro tài chính (lãi suất tăng, lạm phát, tỷ giá).

Nguyên nhân của rủi ro, vướng mắc có thể do sự thiếu thống nhất và chưa rõ ràng của hệ thống hành lang pháp luật nói chung, đặc biệt là sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; bất cập của hệ thống pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP. Ngoài ra, một số quy định chưa sát với thực tế, chưa phù hợp thông lệ quốc tế; chính quyền vẫn xem nhà đầu tư PPP là đối tượng quản lý chứ không phải đối tác.

Để phòng ngừa rủi ro tranh chấp có thể phát sinh, cần phải thay đổi cách tiếp cận, phải xem nhà đầu tư là đối tác chứ không phải đối tượng; cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một bên trong hợp đồng PPP, bình đẳng với nhà đầu tư.

Đồng thời sớm thể chế hóa và thực thi đầy đủ cơ chế pháp luật về chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư trong các dự án PPP theo quy định của Luật Đầu tư PPP; xây dựng cơ chế để giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa các cơ quan nhà nước và các nhà đầu tư PPP.

Theo SGGP

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo