Việc lần đầu tiên đón một con tàu container thuộc tuyến vận tải quốc tế đã giúp Cảng Cửa Lò trở thành mắt xích trong tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam – Malaysia – Ấn Độ của VIMC, mở ra hướng phát triển và thiết lập nhiều tuyến vận tải container từ khu vực miền Trung Việt Nam trực tiếp đi đến các cảng trên thế giới. Hiện nay, Cảng Cửa Lò chỉ đón các tàu container hàng hải trên các tuyến nội địa Việt Nam.
Ông lê Quang Trung – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết: Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng và khẳng định vị thế của Cảng Cửa Lò – đầu mối vận tải hàng hóa của nhóm cảng biển Bắc Trung bộ. Với chiều dài bến cảng gần 1000 m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải từ 10.000 tấn đầy tải đến 30.000 tấn (DWT), cùng nhiều thiết bị xếp dỡ tiên tiến, hệ thống kho bãi hiện đại, Cảng Cửa Lò đã và đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An, đồng thời trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi logistics của VIMC.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái vận tải biển – cảng biển – logistics để cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng. Vận tải container đóng vai trò kết nối với mạng lưới hạ tầng cảng biển và dịch vụ hàng hải. Khi có đội tàu container, doanh nghiệp sẽ nâng cao năng lực đội tàu của Việt Nam, tránh tình trạng các tàu hàng nước ngoài tăng giá cước bất hợp lý, ảnh hưởng quyền lợi của chủ hàng.
Trước đó, ngày 26/10/2021, VIMC đã thiết lập tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam – Malaysia – Ấn Độ để đưa đội tàu vận tải container chuyên dụng của VIMC chạy tuyến trực tiếp với các cảng ngoài khu vực Đông Nam Á (không phải kết hợp với các tàu vận tải container của nước ngoài) để giảm tải áp lực vận chuyển hàng hóa và bình ổn nguồn cung vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam – Malaysia – Ấn Độ là sự quyết tâm, nỗ lực của VIMC để góp một phần cùng các doanh nghiệp Việt Nam tiến tới thị trường toàn cầu, tạo đà cho kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau thời kỳ đại dịch. Đồng thời đây cũng là tín hiệu rất tích cực cho hoạt động thương mại của Việt Nam trong tương lai.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng Cửa Lò có 6 bến, trong đó có 4 bến (bến số 1, 2, 3, 4) đang hoạt động, được thiết kế cho cỡ tàu 1 vạn tấn do Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh quản lý và 2 bến còn lại (số 5,6) được thiết kế cho tàu 3 vạn tấn do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc đầu tư (dự án đã khởi công từ tháng 4/2015).
Hoạt động kinh doanh chính của Cảng Nghệ Tĩnh tại khu vực Cửa Lò và khu vực Bến Thủy bao gồm: Kinh doanh dịch vụ cảng và bến cảng; Kinh doanh kho bãi, kho ngoại quan; Bốc xếp, bảo quản và giao nhận hàng hóa; Hộ tống cứu nạn, cứu hộ trên biển; Đại lý vận tải hàng hóa, đại lý tàu biển; Sửa chữa phương tiện vận tải thủy bộ; Xây dựng và sửa chữa công trình cảng. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ tại khu vực Cửa Lò luôn chiếm tỷ trọng lớn (hơn 90% doanh thu cả công ty).