Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành đều cơ bản ủng hộ các giải pháp đột phá để phát triển cụm cảng Cái Mép-Thị Vải. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều ngày 18/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tình hình kinh tế – xã hội và một số định hướng phát triển lớn trong thời gian tới.Một trong những vấn đề nổi lên được nhiều đại biểu đề cập tại cuộc làm việc là tiềm năng rất lớn của tỉnh và các giải pháp để khai thác hiệu quả những lợi thế đặc trưng trong phát triển kinh tế biển, phát huy lợi thế là 1 trong 2 cảng biển nước sâu của quốc gia, nhất là hệ thống cảng biển đặc biệt Cái Mép-Thị Vải.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, theo đó hệ thống cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc nhóm cảng biển đặc biệt; với chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế, có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, tiếp nhận tàu đến 250.000 tấn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, điều này đã khẳng định vai trò, vị trí của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải. Cảng Cái Mép-Thị Vải là 01 trong 23 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 250.000 tấn; thuộc nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới; hằng năm đóng góp cho ngân sách Trung ương hơn 20.000 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu. Năm 2021, tuy có ảnh hưởng dịch bệnh nhưng tổng sản lượng hàng thông qua cảng Cái Mép-Thị Vải là 79 triệu tấn, tăng 4%, trong đó hàng container bằng tàu biển tăng 16,8%.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống Cảng Cái Mép-Thị Vải chưa đủ điều kiện để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, chưa thu hút được các hãng tàu lớn và mất đi tính cạnh tranh với các cảng nước sâu khác trong khu vực và thế giới do thiếu các yếu tố: Các cảng đang bị chia cắt, cầu cảng chưa gắn kết, hàng hóa từ tàu nhỏ chuyển sang tàu lớn không có sự liên thông, chưa thật sự là cảng trung chuyển; thiếu một tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại chỗ; thiếu một hệ sinh thái Logistics; thiếu một hệ thống giao thông kết nối liên vùng đa phương thức; chi phí logistics cao, thời gian thông quan kéo dài.

Do đó, tỉnh kiến nghị thúc đẩy hệ thống hạ tầng logistics, giao thông với các giải pháp như thí điểm cơ chế cảng mở tại cụm cảng container khu vực Cái Mép, thành lập Chi cục Kiểm định hải quan tại khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải, triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường vành đai 4, dự án đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu… và đặc biệt là dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với tổng mức đầu tư khoảng 19.200 tỷ đồng.Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ, với vai trò là cảng biển đặc biệt của cả nước, cần có các chính sách đột phá phát triển cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, trong đó có chính sách cảng mở. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải, phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông quan hàng hóa, cần thiết nhất là đơn giản thủ tục, giảm thời gian, chi phí thông quan.

Dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ bao gồm: Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ (984,24ha); diện tích mặt nước (455,77ha); đất dự trữ kho năng lượng sạch (197,65ha); diện tích mặt nước tiềm năng (125,34ha).

Dự án có tổng diện tích 1.763 ha, trong đó có 936 ha đất rừng. Việc quyết định chủ trương đầu tư dự án này thuộc thẩm quyền của Quốc hội (do chuyển đất rừng trên 500 ha). Do đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương ủng hộ và chấp thuận trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ.

Có thể nói, đây là một trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm cỡ khu vực và thế giới, cùng với chức năng của một khu thương mại tự do. Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ là một phần không thể thiếu của cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Cái Mép và phía nam Việt Nam.

Trong khi đó, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là tuyến giao thông đặc biệt quan trọng kết nối trực tiếp với hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải, sân bay Long Thành, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam. Do đó, việc sớm đầu tư và hoàn thành dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung, đồng thời bảo đảm kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành để hình thành hệ thống giao thông kết nối liên vùng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản giao cho các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh (gồm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An).

Còn tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn kết nối đến cảng Thị Vải-Cái Mép thuộc dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030, theo quy hoạch được duyệt.

Lãnh đạo các bộ, ngành cũng đều nhấn mạnh lợi thế rất lớn của tỉnh để có thể phát triển đột phá, như có số lượng cảng biển lớn nhất cả nước, 24 cảng đã đưa vào hoạt động với công suất 252 triệu tấn, nằm sát đường hàng hải quốc tế và rất gần sân bay Long Thành, là giao điểm của các trục đường giao thông…

Thủ tướng nêu rõ một số trọng tâm phát triển của tỉnh trong thời gian tới, mà trước hết là lĩnh vực logistics. Tại các hoạt động đối ngoại gần đây của Thủ tướng, rất nhiều đối tác quốc tế hết sức quan tâm tới việc lĩnh vực này, cụ thể là khu vực Cái Mép-Thị Vải, đưa Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm logistics lớn của khu vực và thế giới. Muốn vậy, phải phát triển hạ tầng kết nối vùng, kết nối các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế.Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình cao với những phân tích, đánh giá của các đại biểu về tiềm năng, lợi thế của Bà Rịa-Vũng Tàu, nhất là trong phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistics…

Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh cần khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực với nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của một tỉnh nằm ở trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam; trong đó tập trung phát triển mạnh về công nghiệp chế biến, chế tạo; phát huy lợi thế là 1 trong 2 cảng biển nước sâu của quốc gia, nhất là hệ thống cảng biển đặc biệt Cái Mép-Thị Vải, nâng cao sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Tỉnh cần thúc đẩy các sáng kiến, chương trình, dự án liên kết vùng, trước hết là hợp tác với các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cùng nhau mở cửa kinh tế, thực hiện các dự án đầu tư chung về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển kinh tế toàn vùng như sân bay Long Thành, cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải, cao tốc đường bộ và đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu…

Về các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức thẩm định, sớm báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị khác của tỉnh về cơ chế cảng mở và thành lập Chi cục Kiểm định hải quan…; yêu cầu các cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ để cùng khẩn trương giải quyết các nội dung này theo quy định của pháp luật, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng với liên kết vùng, kết nối các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế.

Các ý kiến tại cuộc làm việc cơ bản ủng hộ mạnh mẽ các kiến nghị của tỉnh, đồng thời góp ý nhiều vấn đề như phát triển hạ tầng kinh tế đồng bộ với hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình phát triển… Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ sắp xếp bộ máy để sớm triển khai thành lập Chi cục Kiểm định Hải quan tại khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết trong những ngày tới, sẽ có các cuộc làm việc rất cụ thể với các địa phương để thúc đẩy triển khai các dự án vành đai 3 và 4 của TP Hồ Chí Minh…

Theo Chinhphu.vn