Liên quan đến thủ tục cấp phép xây dựng, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons cho biết, trong thời gian qua, Doanh nghiệp rất cảm ơn Bộ Xây dựng đã tích cực trong công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cụ thể như là: Tích hợp một số nội dung của thẩm định thiết kế, theo đó, việc thẩm định TKCS là thuộc trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về xây dựng, còn lại việc thẩm tra TKKT sẽ thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư. Như vậy cũng đã rút ngắn thời gian cấp phép đi rất nhiều.

Tuy nhiên, thủ tục cấp phép xây dựng vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến thẩm duyệt thiết kế PCCC, cần Bộ Xây dựng hỗ trợ như sau:

Thứ nhất, việc thiết kế và thẩm duyệt PCCC cho công trình cao trên 150m hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể trong QCVN 06:2021, chỉ có hướng dẫn chung là phải lập luận chứng riêng để cơ quan chuyên môn về PCCC phê duyệt ( Cục CS PCCC – Bộ Công an) trước khi triển khai thiết kế và thẩm duyệt, ảnh hưởng đến thời gian thực hiện của Doanh nghiệp:
Đề xuất Bộ xây dựng kết hợp Cục CS PCCC chủ trì biên soạn ban hành hướng dẫn quy định việc thiết kế và thẩm duyệt PCCC cho loại công trình này, sớm để gỡ nút thắt về đầu tư cho Doanh nghiệp.

Thứ hai, Mục A3.2 phụ lục A – QCVN06-2021: Quy định nhà có chiều cao từ 100m đến 150m phải bố trí tầng lánh nạn và gian lánh nạn. Quy định không cho phép bố trí căn hộ hay một phần căn hộ trên tầng lánh nạn nên gây ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư dự án.

Thứ ba, Phụ lục A và D – QCVN06-2021: Quy định mới về cấp độ chống cháy EI60, EI120 và EI180 với ống gió hút khói làm tăng chi phí đầu tư dự án.

Thứ tư, Bảng E.3-QCVN06-2021 quy định phần trăm diện tích bề mặt tường không cần bảo vệ chống cháy (phần trăm còn lại yêu cầu cấp độ chống cháy E60 cho các dự án cao hơn 75m) là 4%, 8%, 20%, 40% tương ứng với các bề mặt tường có khoảng cách tới ranh giới khu đất là 1m, 1.5m, 3m, 6m. Hiện chưa có quy định cho các bề mặt tường với khoảng cách tới ranh giới khu đất lớn hơn 6m. Do đó, cơ quan quản lý chỉ cho phép phần trăm diện tích bề mặt tường không cần bảo vệ chống cháy là 40% cho cả các mặt tường có khoảng cách tới ranh giới khu đất lớn hơn 6m. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu tư dự án.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, có hiện tượng chậm trễ trong kiểm định cửa chống cháy, vách nhôm kính chống cháy… Việc này đã làm kéo dài thời gian hoàn thành và bàn giao dự án

Liên quan đến quá trình thanh kiểm tra dự án, đại diện Newtecons cho rằng, hoạt động thanh, kiểm tra dự án là việc rất cần thiết ở các dự án, tuy nhiên, dù được cải thiện trong thời gian qua, vẫn chưa thực sự tháo gỡ, như vậy vướng mắc có thể do việc thanh tra chồng chéo, trùng lặp về nội dung và đối tượng.

Từ thực tiễn đó, Newtecons đề xuất: Thanh tra các nội dung dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro như một số ngành đã áp dụng. Các dự án sẽ được kiểm tra toàn bộ các nội dung tại các thời điểm nghiệm thu với cơ quan chuyên môn về xây dựng. Do đó, tại thời điểm thanh tra dự án, tùy theo đối tượng, và tùy theo đánh giá rủi ro ở dự án để thanh tra tập trung chỉ một số nội dung chính, sẽ làm giảm thiểu thời gian của các bên. Đồng thời, điều này cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhận diện được các rủi ro tiềm ẩn sớm và có các biện pháp khắc phục kịp thời.

Vấn đề liên quan đến Giá vật tư, Newtecons cho biết tình trạng giá vật tư leo thang đang là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến các Nhà thầu xây dựng, trong khi đó, việc được tính trượt giá là không phải lúc nào cũng áp dụng được cho Nhà thầu xây dựng.

Đề xuất: Bộ XD có cơ chế bình ổn giá vật tư, đồng thời bổ sung vào Luật xây dựng để cho phép các nhà thầu được tính trượt giá vật tư cho các dự án nhà nước và tư nhân.

Vấn đề liên quan đến Công nợ Newtecons đánh giá đây là một trong những vấn đề gây khó khăn lớn cho các Nhà thầu xây dựng. Rất nhiều Doanh nghiệp gặp khó khăn liên quan đến vấn đề. Từ đó doanh nghiệp đề xuất Bộ Xây dựng có cơ chế để hỗ trợ các Nhà thầu xây dựng như: Khuyến khích áp dụng bảo lãnh bảo hành thay vì giữ lại bằng tiền mặt. Và/hoặc có luật bắt buộc áp dụng lãi suất vay do chậm thanh toán cho Nhà thầu.

Theo Diendandoanhghiep.vn