Cà phê Sơn La: Ứng dụng công nghệ, nâng tầm thương hiệu, chinh phục thị trường trong nước và quốc tế

Hiện nay, tỉnh Sơn La đã hình thành được một số vùng sản xuất cà phê tập trung chuyên canh, theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ,…

Sơn La là một trong những tỉnh nghèo, đồng bào dân tộc Thái chiếm phần lớn tỷ lệ dân cư. Với khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, hệ thống núi non trùng điệp được bao quanh bởi các bồn địa, các cao nguyên, Sơn La là mảnh đất rất thích hợp để trồng và phát triển cây cà phê. Do đó, cách đây nhiều năm, Sơn La đã chọn cà phê là một trong những loại cây trồng giảm nghèo chủ lực của địa phương, chủ yếu là cà phê chè (cà phê Arabica).

Có mặt tại mảnh đất Sơn La từ những năm 1945, sau hơn 70 năm, cây cà phê Arabica đã trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh. Với diện tích trồng lớn, Sơn La là địa phương trồng cà phê Arabica lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau tỉnh Lâm Đồng. Cà phê Arabica Sơn La được trồng trên các sườn dốc dưới chân dãy núi thấp hoặc trên các đồi nông với độ cao từ 900m đến 1200m.

Với trên 20.000 ha trồng cà phê Arabica, trong đó hơn 18.000 ha được cấp Chứng nhận bền vững và tương đương, tỉnh Sơn La đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ,… Đáng chú ý, sản phẩm Cà phê Sơn La đã đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định; góp phần nâng cao thu nhập của người trồng cây cà phê, tạo thêm việc làm, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị cà phê tại Sơn La, được người tiêu dùng đánh giá cao, các sản phẩm cũng có mặt tại nhiều hệ thống cửa hàng, siêu thị trong cả nước.

Những năm qua, để phát triển cây cà phê, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào canh tác diện tích cà phê hiện có. Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh Sơn La đang tập trung rà soát, đánh giá lại tổng thể diện tích cây cà phê, từ đó tái canh cây cà phê bằng bộ giống mới, đặc biệt là tập trung giống cà phê cho ra sản phẩm chất lượng cao và cà phê đặc sản Sơn La. Đồng thời, tỉnh Sơn La tập trung sản xuất, chế biến, tiêu thụ và chiếm lĩnh thị phần cà phê ổn định; liên kết vùng trồng với các nhà máy chế biến; nông hộ, nông dân, HTX liên kết ký hợp đồng trồng và theo quy chuẩn. Cũng theo lãnh đạo tỉnh Sơn La, hiện nay, các cơ sở chế biến cà phê đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và sử dụng hiệu quả các sản phẩm phụ để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ phát triển cây trồng như: Nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh, Cát Quế đã đầu tư thêm các hồ chứa nước thải; thu hút đầu tư mới Nhà máy phân bón Sông Lam tại Mai Sơn chế biến từ bã, vỏ cà phê.

Cùng với quyết tâm của UBND tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực đầu tư công nghệ nhằm tăng cường chất lượng sản phẩm cà phê. Ông Nguyễn Xuân Thao – Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao Sơn La cho biết, nhận thấy vùng nguyên liệu cà phê trồng từ năm 1994 đã bị già cỗi, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; ngay từ khi thành lập, HTX đã đưa vào sản xuất giống mới và tập trung phát triển dòng cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản. Đến nay, HTX đã trồng được 150 ha cà phê đặc sản. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ. Thời gian tới, tỉnh Sơn La tập trung phát triển dòng sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, nâng tầm thương hiệu và từng bước chiếm lĩnh thị trường tiềm năng trong nước…

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, nông sản luôn là sản phẩm ưu tiên của Bộ Công Thương trong công tác phát triển thị trường trong nước và xúc tiến thương mại. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp đã hỗ trợ, đồng hành với các địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang để có thể giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương tới người tiêu dùng trong nước. Đây là giải pháp để giúp các địa phương có thể đưa các sản phẩm nông sản của mình ra thị trường thuận lợi hơn. Thời gian tới, Bộ Công Thương và các Bộ ngành sẽ tiếp tục dành những sự quan tâm đến các địa phương để làm sao vừa phát triển những sản phẩm mang tính đặc thù và có những chương trình xúc tiến để giúp các địa phương xây dựng được hình ảnh, thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo