Những ngày này, bà con bản Nhộp, xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La tất bật thu hái cà phê. Trên khắp các nương, vườn rộn rã tiếng cười vui của bà con.
Nhanh tay hái từng quả cà phê chín mọng, ông Lường Văn Chiến, người dân bản Nhộp cho hay, thông thường mọi năm, vào đầu vụ, giá cà phê giảm, sau đó mới dần nhích lên ở thời điểm giữa và cuối vụ. Thế nhưng, năm nay, mới bắt đầu vụ thu hoạch, giá cà phê đã ở mức khá cao, bình quân đạt 10.000 đồng/1kg, có thời điểm đạt tới 15.000 đồng/kg. Thắng lớn vụ cà phê năm nay, gia đình cùng bà con dân bản rất phấn khởi, yên tâm phát triển cây cà phê:
Tại xưởng sản xuất, sơ chế cà phê của gia đình anh Bùi Công Thành ở bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, không khí làm việc tấp nập. Xe tải chở cà phê nối đuôi nhau ra vào. Anh Thành cho biết: Từ đầu vụ đến nay, anh đã thu mua khoảng 2.000 tấn cà phê tươi cho các hộ dân khu vực Chiềng Pha, Nậm Lầu, Chiềng Bôm, Púng Tra. Trung bình mỗi ngày sơ chế khoảng chục tấn cà phê tươi; đồng thời duy trì 30 đầu xe, với khoảng 200 điểm thu mua, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân bán cà phê.
Với diện tích trên 5.500 ha cà phê, tập trung nhiều nhất tại các xã: Bản Lầm, Nậm Lầu, Bon Phặng, Muổi Nọi, Tông Cọ, Chiềng Pha,Chiềng Bôm…, trong đó hơn 4.200 ha diện tích đã cho thu hoạch, huyện Thuận Châu là vùng chuyên canh cây cà phê lớn thứ 2 của tỉnh Sơn La. Vụ cà phê năm nay, năng suất cà phê đạt bình quân hơn 8 tấn quả tươi/ha, sản lượng toàn huyện ước đạt 34.000 tấn…
UBND huyện cũng khuyến khích các HTX thành lập để chế biến, thu mua cà phê cho bà con, gắn vào đó là hướng dẫn, xây dựng các cơ sở đảm bảo theo đúng quy định để thu mua sản phẩm quả cà phê cho bà con, tránh việc cà phê của bà con khi sản xuất ra không được tiêu thụ.
Tỉnh Sơn La hiện có gần 18.000 ha trồng cà phê, trong đó hơn 15.000 ha đang cho thu hoạch với sản lượng năm nay ước đạt 180.000 tấn quả tươi, tăng hơn 5% so với niên vụ trước. Hiện tỉnh Sơn La đang phát triển cà phê theo hướng tập trung đầu tư thâm canh, ứng dụng công nghệ thông minh đạt chuẩn quốc tế để tạo năng xuất, chất lượng, hiệu quả tốt, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết: Phát triển cà phê ở Sơn La là phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và thúc đẩy chế biến sâu và xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm
Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh vẫn định hướng duy trì khoảng 17.000 ha cà phê, nhưng song song với đó là đẩy mạnh việc tái canh cây cà phê, cũng như là thâm canh, tăng năng xuất; cùng với đó Sở cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cà phê đối với người nông dân, cũng như là khuyến cáo các doanh nghiệp thu mua cà phê, bà con nông dân thu hái cà phê theo tiêu chuẩn để đảm bảo nâng cao chất lượng cà phê, hướng tới sản xuất cà phê đặc sản.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vụ cà phê năm nay thắng lợi đã giúp người nông dân có thêm nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng cà phê, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên giảm nghèo bền vững và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Theo VOV.Tây Bắc