Trao Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho tập thể, cá nhân đạt thành tích trong thực hiện chương trình OCOP năm 2021.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và đơn vị chức năng mà đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã có 77 đặc sản OCOP được công nhận 3 sao trở lên, xếp thứ 4/13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sản phẩm OCOP.
Tại hội nghị, tỉnh Cà Mau công bố 44 sản phẩm OCOP của 25 chủ thể trong năm 2021, nâng tổng số OCOP toàn tỉnh lên 77 sản phẩm của 44 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 4/13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP của Cà Mau tập trung nhiều ở ngành hàng thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ.
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, có được những kết quả bước đầu tích cực nêu trên, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) theo Quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của Cà Mau đã được trưng bày và tiêu thụ qua nhiều kênh bán hàng, đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh.
Phần lớn sản phẩm OCOP tại địa phương đã được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử như: madeincamau.com (tỉnh Cà Mau), voso.vn (Viettel), postmart.vn (VNPT) và các kênh khác như Lazada, Amazon, Alibaba, Zalo, Facebook…
Đặc biệt, một số sản phẩm còn xuất khẩu được qua các thị trường Australia, Canada, Trung Quốc, Singapore… Nhờ đó mà đến nay, khảo sát sơ bộ cho thấy, có hơn 30% sản phẩm OCOP của tỉnh có doanh thu tăng từ 5-8%, giá bán sản phẩm tăng bình quân từ 5-20% và chưa có sản phẩm nào vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Trong năm 2022, Cà Mau đề ra mục tiêu phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm; công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao; phát triển, nâng cấp 28-30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; củng cố, nâng cao chất lượng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ 77 sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm…
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử gợi mở 7 nhóm giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Đồng chí đồng thời đề nghị ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình OCOP, nâng cao hơn vị trí thứ hạng của tỉnh so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; trong đó phải hết sức chú ý, tập trung thực hiện thật tốt các giải pháp đã đề ra.
Đồng chí Lê Văn Sử lưu ý: điều quan trọng là phải tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành chức năng, thực hiện kiên trì, bền bỉ, không nóng vội, không chạy theo thành tích; chú trọng huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân, mà nòng cốt là đội ngũ chuyên gia hướng dẫn, vai trò của các tổ chức kinh tế, chủ thể sản xuất… Khi thực hiện hài hòa, thống nhất và đồng bộ các nội dung này, chắc chắn Chương trình OCOP của tỉnh sẽ phát triển theo đúng định hướng, mang lại giá trị hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển nhanh, ổn định và bền vững trong thời gian tới.
Theo Nhandan