Bộ TN&MT đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 85% thủ tục hành chính giai đoạn 2021 – 2025

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT đã thông tin chi tiết về lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ trong thời gian tới.

* Xin ông cho biết tình hình triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 của Bộ TN&MT? Đợt cải cách lần này giống và khác gì so với các đợt cải cách trước đây thưa ông?

Ông Phan Tuấn Hùng: Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong đó nêu rõ mục tiêu, yêu cầu và phân công trách nhiệm triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2025, Bộ TN&MT sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.

Để thực hiện kế hoạch và nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ TN&MT thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP. Chúng tôi đã tổ chức rà soát tổng thể, xây dựng, xin ý kiến bộ, ngành, địa Phương về phương án chi tiết để cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT. Mới đây, ngày 22 tháng 7 năm 2021, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chính thức ký Tờ trình số 40/TTr-BTNMT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ TN&MT giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, Bộ TN&MT đã thực hiện việc thống kê, cập nhật đầy đủ và công khai dữ liệu các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý, kèm theo tính toán chi tiết chi phí tuân thủ các quy định này trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, chúng tôi cũng đang tích cực rà soát, xây dựng kế hoạch giảm tối đa số lượng VBQPPL hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT.

Song song sửa đổi, bổ sung các VBQPPL có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, Bộ TN&MT cũng tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, chi phí xã hội và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân theo yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Tôi cho rằng Nghị quyết số 68/NQ-CP lần này và các đợt cải cách trước đây đều nhằm mục tiêu chung là cải cách thể chế, tạo ra một môi trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch, chi phí tuân thủ thấp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo đà tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Nghị quyết số 68/NQ-CP lần này được xem là làn sóng cải cách lớn nhất từ trước đến nay. Đợt cải cách lần này có tính hệ thống, phạm vi rộng và toàn diện hơn; không chỉ cải cách từ thể chế chính sách mà còn chú trọng cải cách khâu tổ chức thực hiện.

* Ông có thể cho biết chi tiết về phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021-2025 của Bộ TN&MT  không?

Ông Phan Tuấn Hùng: Các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ TN&MT: hiện tại có 178 TTHC, 17 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, 23 sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, 07 chế độ báo cáo. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT, chúng tôi đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của lĩnh vực TN&MT thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ TN&MT.

Từ kết quả rà soát, đánh giá nêu trên, Bộ TN&MT đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tập trung chủ yếu vào TTHC. Chúng tôi đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tất cả 178 TTHC hiện nay và đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 153/178 TTHC (chiếm 85% số lượng TTHC của lĩnh vực TN&MT), cụ thể: lĩnh vực đất đai cắt giảm, đơn giản hóa 12/17 TTHC (chiếm 70,5%); lĩnh vực địa chất và khoáng sản cắt giảm, đơn giản hóa 28/32 TTHC (chiếm 87,5%); lĩnh vực tài nguyên nước cắt giảm, đơn giản hóa 27/32 TTHC (chiếm 84,3%); lĩnh vực khí tượng thủy văn cắt giảm 08/08 TTHC (chiếm 100%); lĩnh vực biển và hải đảo cắt giảm, đơn giản hóa 25/25 TTHC (chiếm 100%); lĩnh vực đo đạc, bản đồ cắt giảm, đơn giản hóa 01/03 TTHC (chiếm 33%); lĩnh vực môi trường cắt giảm, đơn giản hóa 52/62 TTHC (chiếm 83,87%).

Theo tính toán của Vụ Pháp chế, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC của Bộ TN&MT đã giúp tiết kiệm được 131.622.701.000 đồng – tương đương 21,9% tổng chi phí tuân thủ TTHC trong lĩnh vực TN&MT, cụ thể: lĩnh vực đất đai tiết kiệm được 33.700.394.000 đồng, tương đương 17% chi phí tuân thủ TTHC; lĩnh vực địa chất và khoáng sản tiết kiệm được 9.440.710.000 đồng, tương đương 7,98% chi phí tuân thủ TTHC; lĩnh vực tài nguyên nước tiết kiệm được 31.925.031.000 đồng, tương đương 27% chi phí tuân thủ TTHC; lĩnh vực khí tượng thủy văn tiết kiệm được 693.872.000 đồng, tương đương 54% chi phí tuân thủ TTHC; lĩnh vực biển và hải đảo tiết kiệm được 4.267.141.000 đồng, tương đương 27,1% chi phí tuân thủ TTHC; lĩnh vực đo đạc, bản đồ tiết kiệm được 685.400.000 đồng, tương đương 16,4% chi phí tuân thủ TTHC; lĩnh vực môi trường tiết kiệm được 50.418.658.000 đồng, tương đương 34,6% chi phí tuân thủ TTHC.

Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC trong lĩnh vực TN&MT đã được các đơn vị trực thuộc Bộ rà soát, đánh giá, trao đổi, cân nhắc kỹ lưỡng và được tham vấn, đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT 

* Để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC đã đề xuất, Bộ TN&MT có kế hoạch sửa đổi, bổ sung VBQPPL như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Tuấn Hùng: Triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021-2025, Bộ TN&MT dự kiến sẽ trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền 19 VBQPPL, trong đó có 12 Nghị định và 07 Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Chúng tôi dự kiến sẽ sử dụng hình thức một VBQPPL sửa đổi, bổ sung nhiều VBQPPL và thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn để đẩy nhanh việc thực thi phương án. Theo đó, sẽ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực TN&MT; Nghị định quy định chi tiết Luật bảo vệ môi trường năm 2020 (tích hợp 05 Nghị định trong lĩnh vực môi trường); Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ và trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành 01 Thông tư để sửa đổi, bổ sung 07 Thông tư trong lĩnh vực TN&MT. Tôi cho rằng với cách làm này Bộ TN&MT sẽ hoàn thành chỉ tiêu của Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021-2025 ngay trong nửa đầu nhiệm kỳ này.

Ngoài ra, Bộ TN&MT đang tích cực chuẩn bị 03 dự án luật lớn, quan trọng để trình Chính phủ, Quốc hội trong nhiệm kỳ này gồm: dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Khoáng sản (sửa đổi). Hiện nay, phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC giai đoạn 2021-2025 lĩnh vực TN&MT chưa đề xuất sửa đổi, bổ sung các VBQPPL này. Do đó, tôi tin rằng với quan điểm cải cách mạnh mẽ hiện nay thì số lượng, chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT sẽ được cắt giảm, đơn giản hóa nhiều, mạnh mẽ hơn nữa khi các đạo luật tôi đề cập được sửa đổi.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo