Bộ Tài chính cho rằng ngân sách các địa phương sẽ mất hơn 8.600 tỷ đồng mỗi năm khi giảm 50% phí trước bạ xe ô tô điện.
Cụ thể, đối với phương án giảm 50% phí trước bạ, nếu VinFast sản xuất, lắp ráp đủ công suất hơn 250.000 chiếc/năm, với giá xe là 690 triệu đồng/chiếc, với phí trước bạ 5%, số thu ngân sách địa phương của lệ phí trước bạ là hơn 8.600 tỷ đồng.
Phương án giữ nguyên lệ phí trước bạ 10-12% như hiện nay, số thu ngân sách các địa phương ước tính là hơn 17.250 tỷ đồng.
Còn phương án miễn hoàn toàn lệ phí trước bạ, ngân sách trung ương mất hơn 17.250 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, các giả định này gần như không thể xảy ra trên thực tế.
Cơ quan này cho rằng, không phải cổng cắm sạc của các loại xe điện đều được tạo ra giống nhau nên việc phát triển hệ thống trạm sạc có thể đáp ứng nhu cầu sạc điện cho tất cả các loại xe điện sẽ là thách thức không nhỏ.
Theo đó, nếu miễn phí trước bạ ô tô điện thì nhu cầu sử dụng ô tô điện sẽ tăng chủ yếu ở những đô thị lớn – nơi có hạ tầng giao thông phát triển, vậy nên số lượng ô tô điện sẽ tăng không quá lớn.
Sự tác động cụ thể đến số thu ngân sách Nhà nước của việc thực hiện ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô điện ở mỗi địa phương sẽ là khác nhau và còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như: Việc phát triển hạ tầng giao thông cho ô tô điện, mức giá ô tô điện của mỗi hãng sản xuất, mức thu lệ phí trước bạ cụ thể của mỗi địa phương, thu nhập của người dân,…
Sau khi nghiên cứu tác động, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho thực hiện chính sách thu lệ phí trước bạ xe ô tô điện sử dụng pin đăng ký lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (tương đương từ 5-7,5%) trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Mức nộp lệ phí trước bạ từ lần thứ 2 trở đi với mức thu bằng mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (2%).
Trước đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đánh giá tác động của đề xuất ưu đãi phí trước bạ đối với xe ô tô điện sử dụng pin tại Việt Nam. Các Bộ liên ngành cần đánh giá kinh nghiệm của các nước đã, đang và sẽ áp dụng cho xe điện để xây dựng chính sách cho Việt Nam.
Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới biệt đãi xe điện, trong đó là chính sách thuế phí, ưu đãi bằng thuế, hỗ trợ của Chính phủ cho người tiêu dùng, cho thị trường vì thế đã có nhiều hãng xe của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ra đời và thành công tại các nước.
Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia là những nước có chính sách biệt đãi để mục tiêu thành trung tâm xe điện của khu vực.
Theo Dantri