Bộ KH&ĐT đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định rào cản hợp tác xã tham gia thị trường, phát triển thành viên, phát triển kinh tế. Toàn văn hồ sơ đề nghị và góp ý tại đây.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 đã làm rõ thêm bản chất của tổ chức hợp tác xã (HTX) là “phục vụ thành viên”, tăng cường hợp tác nội bộ và tham gia thị trường để phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta. Việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bước đầu làm thay đổi nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về vai trò quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong các thành phần kinh tế của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012 đã nảy sinh một số tồn tại, bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Theo báo cáo tổng kết, mặc dù số lượng HTX cả nước trong thời gian qua có tăng đáng kể từ 19.357 HTX (năm 2013) đến 26.642 HTX (30/6/2021). Tuy nhiên, số lượng thành viên HTX cả nước giảm từ 8 triệu thành viên (năm 2013) xuống 5,7 triệu thành viên (năm 2021), chiếm khoảng 5,8% dân số cả nước; bình quân 413 thành viên/HTX (năm 2013) giảm xuống 213 thành viên/HTX (năm 2021). Lao động thường xuyên trong HTX cũng ngày một giảm qua các năm từ 1.189.652 người (năm 2013) xuống 807.888 người (tính đến ngày 30/6/2021).

Điều này phản ánh thực trạng phát triển HTX ở nước ta đang chưa đúng hướng, chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí trong nền kinh tế của đất nước, bản thân các HTX chưa quan tâm đến phát triển thành viên.

Do vậy, việc xây dựng dự án Luật HTX (sửa đổi) là cần thiết nhằm mục tiêu tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định rào cản HTX tham gia thị trường, phát triển thành viên, phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX.

Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) đề xuất các nhóm chính sách gồm:

– Hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức KTHT và tổ chức đại diện;

– Hoàn thiện các quy định về phát triển thành viên, mở rộng thị trường và nâng cao khả năng thu hút vốn cho HTX;

– Hoàn thiện các quy định về quản lý, điều hành HTX;

– Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực KTTT, HTX;

– Hoàn thiện các quy định về bản chất và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của HTX.

Về tổ chức kinh tế hợp tác, Đề cương chi tiết Dự thảo Luật Hợp tác xã dự thảo: 

– Bổ sung khái niệm tổ chức kinh tế hợp tác bao gồm 03 loại hình chủ yếu: tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã. Trong đó hợp tác xã là nòng cốt.

– Bổ sung khái niệm về tổ hợp tác (theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về tổ hợp tác).

– Sửa đổi Khoản 3, Điều 3 Luật Hợp tác xã năm 2012 cho phép thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Về điều kiện trở thành thành viên, hợp tác xã thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã: 

– Bổ sung đối tượng công dân dưới 18 tuổi có người bảo trợ (vd: tham gia hợp tác xã trường học), người không có đủ năng lực hành vi dân sự (vd: người khuyết tật), người không định cư ở Việt Nam (vd: tham gia dưới tư cách thành viên danh dự, chuyên gia), doanh nghiệp tư nhân tham gia làm thành viên hợp tác xã.

– Quy định rõ hơn: công chức, viên chức nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp… được khuyến khích tham gia là thành viên của hợp tác xã để sử dụng sản phẩm và dịch vụ do hợp tác xã cung cấp và hỗ trợ tư vấn phát triển hợp tác xã.

– Bổ sung quy định hợp tác xã không được từ chối người có đủ điều kiện, có đơn xin gia nhập trở thành thành viên hợp tác xã theo quy định mà không có lý do chính đáng hoặc yêu cầu thêm bất kỳ điều kiện bất lợi hơn so với các thành viên khác trong việc kết nạp một người làm thành viên.

Về phân loại thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:

– Bổ sung quy định 05 loại thành viên hợp tác xã: (1) Thành viên chính (góp vốn, làm việc và sử dụng sản phẩm,  dịch vụ của hợp tác xã), (2) Thành viên chỉ làm việc cho hợp tác xã (góp vốn và làm việc trong hợp tác xã); (3) Thành viên chỉ sử dụng sản phẩm, dịch vụ (góp vốn và sử dụng dịch vụ của hợp tác xã); (4) Thành viên không làm việc trực tiếp, không sử dụng dịch vụ (nhà đầu tư, người đã quá tuổi lao động, mất sức);

– Một người có thể có tư cách nhiều loại thành viên khác nhau.

B.Khánh

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo