Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ), giảm 13,34% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí mê-tan trong trồng trọt không vượt quá 42,2 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 3,5 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 1,3 triệu tấn CO2tđ. Đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 77,9 triệu tấn CO2tđ, giảm ít nhất 30% so với mức phát thải 2020. Trong đó, phát thải khí mê-tan trong trồng trọt không vượt quá 30,7 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 15,2 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 17,5 triệu tấn CO2tđ, khai thác dầu khí không vượt quá 8,1 triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 2,0 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 0,8 triệu tấn CO2tđ.
Theo Kế hoach, Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và thực hiện Kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 trong khai thác than, khai thác và chế biến dầu khí, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện các giải pháp kiểm soát phát thải khí mê-tan trong các hoạt động khai thác than, khai thác và chế biến dầu khí, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch; áp dụng các phương pháp thu hồi, sử dụng khí mê-tan phù hợp với điều kiện của đất nước nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên, nhiên liệu, nâng cao mức độ an toàn và tăng giá trị kinh tế của các hoạt động này.
Bên cạnh đó, định kỳ hằng năm Bộ Công Thương sẽ báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến giảm phát thải khí mê-tan trong khai thác than, khai thác và chế biến dầu khí, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch; gửi kết quả đánh giá phát thải khí mê-tan của năm trước năm báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.
Việc giảm phát thải khí mê tan nhằm thực hiện Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Đây là cơ hội để đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân; giúp quản lý, khai thác sử dụng bền vững tài nguyên và hiệu quả sử dụng năng lượng; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo MOIT