Khu nhà ban quản lý điều hành Dự án Thủy điện La Ngâu bỏ hoang từ năm 2010 đến nay.
Chiều 25/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận có Công văn số 271-CV/TU báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị xem xét điều chỉnh Dự án Thủy điện La Ngâu (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) tại Đề án Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) do Bộ Công thương đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án hồ chứa nước La Ngà 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 7/1/2020 và trong các quy hoạch được phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; của tỉnh Bình Thuận.
Theo Quy hoạch, hồ chứa nước La Ngà 3 có dung tích 470 triệu m3, có nhiệm vụ bảo đảm hàng năm cấp hơn 1 tỷ m3 nước tưới cho khoảng 78 nghìn ha của 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai; cấp hơn 600 nghìn m3 nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ cho 2 tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng thời, sau hồ làm thủy điện nhỏ với công suất 34 MW.
Tính hiệu quả kinh tế của việc xây dựng hồ La Ngà 3 là rất cao, tác động lớn đến đời sống kinh tế – xã hội không chỉ cho tỉnh Bình Thuận mà còn cho các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai với hàng chục vạn người dân được hưởng lợi, nhất là trong bối cảnh dự báo nguồn cung cấp nước ngọt trong tương lai sẽ thiếu hụt trầm trọng và Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất nước.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ 13, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh xác định, hồ La Ngà 3 là công trình thủy lợi chiến lược, quan trọng, tạo nguồn nước với quy mô lớn và duy nhất trên lưu vực sông La Ngà để bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội bền vững, lâu dài, giải quyết tình hình hạn hán, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt ngày càng gay gắt.
Còn Thủy điện La Ngâu là dự án thủy điện nhỏ, công suất 46 MW tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh (Bình Thuận), sử dụng trực tiếp nguồn nước từ việc chặn dòng suối Đa Mi để xây dựng công trình phát điện. Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008. Chủ đầu tư mới chỉ triển khai một số hạng mục chuẩn bị đầu tư, như: Rà phá bom mìn; kéo đường điện phục vụ sinh hoạt; làm đường tạm thi công; cắm các mốc ranh giới khu lòng hồ; xây khu nhà ban quản lý điều hành… Từ năm 2010 đến nay chủ đầu tư đã ngừng triển khai đầu tư dự án.
Hai dự án nêu trên trùng vị trí và địa điểm xây dựng. Khi triển khai xây dựng và đưa công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 vào hoạt động, những công trình kiến trúc, xây dựng…, trong đó có công trình thủy điện La Ngâu, sẽ bị ngập hoàn toàn trong lòng hồ.
Trong bối cảnh đầu tư các nhà máy thủy điện nhỏ, sử dụng nguồn nước trực tiếp từ sông, suối thời gian vừa qua đã có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường tự nhiên và cả dân sinh, kinh tế – xã hội vùng hạ du. Vì vậy, việc điều chỉnh Dự án thủy điện La Ngâu từ vị trí trong lòng hồ công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 sang vị trí sau công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 là giải pháp có tính tích cực.
Việc điều chỉnh vị trí quy hoạch theo như kiến nghị của tỉnh Bình Thuận vừa tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Bình Thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt đầu tư Dự án thủy lợi hồ La Ngà 3, triển khai thực hiện đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025, tránh việc chồng lấn quy hoạch phát triển điện và quy hoạch phát triển công trình thủy lợi.
Trước đó, ngày 17/9/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đã có Công văn số 3459/UBND-KT gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đề nghị Bộ Công thương xem xét, điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến công trình thủy điện trên lưu vực sông La Ngà; xác định công trình Thủy điện La Ngâu không còn phù hợp với thực tế để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh đưa Dự án Thủy điện La Ngâu ra khỏi Quy hoạch Điện VIII.
Theo Báo Nhân dân