Ngày 2/11, Cơ quan Hỗ trợ chính sách APEC đã đưa ra báo cáo chính sách, cho biết việc mở rộng danh sách hàng hóa môi trường APEC sẽ thúc đẩy phản ứng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đối với lời kêu gọi khẩn cấp về thích ứng và giảm nhẹ cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và thúc đẩy tính bền vững.
Kể từ đó, thương mại các sản phẩm trong danh sách đã tăng trưởng đáng kể đối với khu vực APEC. Xuất khẩu và nhập khẩu của 54 sản phẩm đó của APEC lần lượt tăng 5,7% và 13,5% trong giai đoạn 2012 và 2019. Tương tự, thương mại nội khối APEC đối với các sản phẩm này đã tăng 7%. Trong khi đó, thương mại toàn cầu của các sản phẩm trong danh sách này đã tăng 6,4% trong cùng thời kỳ.
Carlos Kuriyama, nhà phân tích cấp cao của Cơ quan Hỗ trợ chính sách APEC giải thích rằng, thương mại quốc tế cho phép tiếp cận với chi phí thấp hơn đối với các công nghệ môi trường và thúc đẩy cạnh tranh để thúc đẩy sự phát triển của hàng hóa và dịch vụ môi trường. Ngoài ra, thương mại quốc tế có thể trao quyền cho các cộng đồng sản xuất những hàng hóa đó và mang lại lợi ích cho các cộng đồng cần sử dụng những hàng hóa đó để giải quyết các vấn đề về suy thoái môi trường.
Gần một thập kỷ kể từ khi danh sách của APEC được thông qua, các chuyên gia cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa trong một số lĩnh vực, bao gồm cả thương mại. Thêm các sản phẩm mới vào danh sách có thể giúp tăng cường bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên.
Việc mở rộng danh sách này có ý nghĩa quan trọng. Một mặt, công nghệ đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết và các sản phẩm môi trường mới đang xuất hiện. Mặt khác, các nền kinh tế đang phát triển có thể được hưởng lợi nhiều hơn bằng cách áp dụng cách tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu đối với hàng hóa môi trường. Nhiều nền kinh tế đang phát triển tham gia sản xuất hàng hóa trung gian và các thành phần đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị hàng hóa môi trường. Ví dụ, những thành phần này có thể bao gồm các vật liệu như thép, đồng, silica và muối nóng chảy để xây dựng hệ thống điện mặt trời tập trung.
Bản báo cáo chính sách chỉ ra rằng, việc thúc đẩy nhiều sản phẩm hơn để khuyến khích thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, cũng như các mối quan tâm khác về môi trường có thể giúp các nền kinh tế thành viên đạt được các mục tiêu môi trường. New Zealand, nước chủ nhà của APEC 2021, đã dẫn đầu quá trình cập nhật Danh mục hàng hóa môi trường của APEC, cũng như xác định các dịch vụ môi trường có thể được bổ sung. Các quan chức cấp cao APEC dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận tại cuộc họp sắp tới vào ngày 5/11.
Từ góc độ thương mại, đóng góp có ý nghĩa hơn trong việc hỗ trợ tăng trưởng xanh đòi hỏi một loạt các sản phẩm toàn diện hơn, khuyến khích các thành viên APEC xem xét bổ sung hàng hóa sạch hơn hoặc thân thiện hơn với môi trường vào danh sách. Việc mở rộng Danh mục hàng hóa môi trường của APEC là một tín hiệu tích cực mà APEC có thể gửi đến thế giới như một diễn đàn hàng đầu để đề xuất các phương án giúp giải quyết các vấn đề môi trường.
Việc đạt được tiến bộ trong Danh sách hàng hóa môi trường của APEC là đặc biệt quan trọng khi các bên đang tìm cách đẩy nhanh hành động hướng tới các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh COP26.
Theo Báo Công Thương