Mặc dù bờ biển dài gần 1000 km song sản lượng đánh bắt của Algeria chỉ đạt 100.000 tấn/năm. Thủy hải sản tại Algeria bán rất đắt, không phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân. Theo Hải quan Algeria, mỗi năm nước này nhập khẩu 32.000 tấn thủy hải sản, kim ngạch 90-100 triệu USD. Các nước cung cấp chính gồm Tadjikistan, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Morocco. Tổng thuế và phí nhập khẩu là 53% (trong đó thuế NK 30%, VAT 19%, thuế khấu trừ 2% và thuế đoàn kết 2%).
Quy định về sử dụng chất phụ gia bảo quản thực phẩm với thủy hải sản nhập khẩu vào Algeria
Ngày 4/7/2017, Cơ quan kiểm soát kinh tế và trấn áp gian lận thương mại Algeria đã có công văn gửi các Sở Thương mại và các cảng biển nước này về vấn đề sử dụng các chất phụ gia bảo quản thực phẩm ký hiệu SIN 330, SIN 331 và SIN 451 đối với cá nguyên con, cá filet và các sản phẩm đánh bắt được đông lạnh. Theo đó, trên bao bì hàng nhập khẩu phải ghi rõ các chất phụ gia bảo quản nói trên, nếu không hàng sẽ bị ách tại cảng khi vào Algeria. Cụ thể:
– Chất phụ gia bảo quản thực phẩm Axít Xitric (SIN 330) được phép sử dụng đối với thủy hải sản.
– Chất phụ gia bảo quản thực phẩm Citrate de Sodium (SIN 331) có thể có các dạng sau:
+ SIN 331 (i): Citrate Biacide de Sodium: Được phép sử dụng
+ SIN 331 (ii): Citrate Monoacide Disodique: Không được phép sử dụng
+ SIN 331 (iii): Citrate Trisodique: Được phép sử dụng
– Chất phụ gia bảo quản thực phẩm Triphosphates (SIN 451) có thể có 03 dạng sau:
+ SIN 451 (i): Triphosphate pentasodique: Được phép sử dụng
+ SIN 451 (ii): Triphosphate pentapotassique: Được phép sử dụng.
+ SIN 451 (iii): Triphosphate de sodium et potassium: Không được phép sử dụng.
Từ tháng 9/2021, Algeria tạm ngừng nhập khẩu cá ngừ và sản phẩm đánh bắt đóng hộp.
Để tăng cường cung cấp thông tin thị trường, kết nối cơ hội giao thương, Thương vụ Việt Nam tại Algeria xin giới thiệu danh sách doanh nghiệp Algeria nhập khẩu thủy hải sản (kèm theo) để các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm liên hệ.
Danh sách xem tại đây.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria