Khởi sắc từ những công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Tĩnh

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng tại các cụm công nghiệp, khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh, các chủ đầu tư đã triển khai những công trình, dự án trọng điểm theo kế hoạch đề ra…

Những ngày cuối năm 2021, các đơn vị thi công tập trung san lấp mặt bằng, ép cọc móng để xây dựng Nhà máy Sản xuất Pin VinES tại KKT Vũng Áng do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết: “Việc nghiên cứu xây dựng nhà máy sản xuất pin tại KKT Vũng Áng là một trong những nỗ lực thiết lập hệ sinh thái năng lượng sạch, góp phần nội địa hóa nguồn cung của VinFast.

Với mức độ tự động cao trên 80%, đây sẽ là nhà máy sản xuất pin đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam, sử dụng các công nghệ tiên tiến hàng đầu theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, Vingroup cũng đang hợp tác với các đối tác chiến lược là những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ tiên phong để sản xuất pin xe”.

Nhà máy Sản xuất Pin VinES sẽ cung cấp pin Lithium dành cho các dòng xe ô tô điện và bus điện của VinFast. Trong giai đoạn 1, nhà máy sẽ triển khai xây dựng với quy mô 8 ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.

Toàn bộ hạ tầng của nhà máy gồm các phân xưởng đúc linh kiện, hàn tổ hợp và đóng gói (pack pin) sẽ được xây dựng nhằm đảm bảo công suất 100.000 pack pin/năm. Giai đoạn 2, nhà máy sẽ mở rộng để sản xuất các tế bào pin và nâng cao công suất tới 1 triệu pack pin/năm. Dự kiến khi đi vào hoạt động, dự án sẽ thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp của Hà Tĩnh.

Cũng tại KKT Vũng Áng, Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II (VAPCO) đã phát lệnh khởi công cho tổng thầu thực hiện thi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II. Đây cũng là một công trình ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của nhà đầu tư trong việc “theo đuổi” dự án suốt hơn 5 năm qua.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II sẽ do các nhà thầu: Liên danh Công ty TNHH Xây dựng & Công nghiệp nặng Doosan, Tập đoàn Samsung C&T, Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, công suất 1.330 MW với kinh phí 2,2 tỷ USD được đầu tư theo hình thức BOT do VAPCO làm chủ đầu tư. Dự án sẽ xây dựng nhà máy chính, cầu cảng bốc dỡ than, bãi thải tro xỉ, các công trình phụ trợ liên quan tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh.

Theo Phó Tổng Giám đốc VAPCO Hoàng Trọng Bính, nhà đầu tư kiên trì theo đuổi dự án này ngoài tính hiệu quả kinh tế do KKT Vũng Áng có hạ tầng cảng biển thuận lợi để tiếp nhận nhiên liệu thì còn do Hà Tĩnh có môi trường đầu tư rất tốt, chính quyền luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.

Một công trình lớn có ý nghĩa quan trọng nối liền mạch máu giao thông phát triển kinh tế vùng đang được các đơn vị thi công hoàn thiện đưa vào sử dụng trong năm 2021 đó là dự án đường ven biển Xuân Hội – Thạch Khê – Vũng Áng đoạn Kỳ Xuân – Kỳ Ninh có tổng chiều dài tuyến 17,29 km.

Ông Trần Văn Tùng – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết: Khi hoàn thành toàn tuyến, đường ven biển Hà Tĩnh sẽ góp phần chia sẻ lưu lượng xe cho quốc lộ 1 qua địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, tạo điều kiện khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai. Tuyến đường cũng giúp kết nối vùng kinh tế Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh, Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình, đóng vai trò động lực xây dựng các KKT trọng điểm 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, hình thành chuỗi các KKT nhằm phát huy thế mạnh khu vực.

Trước đó, từ đầu năm 2021, tại các cụm công nghiệp: Nam Hồng và Cổng Khánh (TX Hồng Lĩnh), Bắc Cẩm Xuyên, Hạ Vàng (Can Lộc), Đức Thọ cũng đã diễn ra nhiều hoạt động khởi công, đầu tư xây dựng nhà máy, khu đô thị thương mại.

Ông Trần Việt Hà – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến triển khai thi công xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành và các chủ đầu tư, nhà thầu đã khắc phục khó khăn, linh hoạt trong tổ chức các giải pháp thi công để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.

Các công trình từ các nguồn vốn đầu tư khác nhau được triển khai kịp thời không chỉ có ý nghĩa về mặt phát triển đối với chủ đầu tư nói riêng, KT-XH của tỉnh nói chung mà còn góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2021, Hà Tĩnh thuộc nhóm tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao của cả nước.

Năm 2021, toàn tỉnh thu hút 51 dự án đầu tư với tổng mức 14.625 tỷ đồng, trong đó có một số dự án lớn như: Bệnh viện Vinmec Thiện Tâm Hà Tĩnh (728 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất Pin VinES của Công ty CP Giải pháp năng lượng VINES Hà Tĩnh thuộc Tập đoàn Vingroup (8.814 tỷ đồng); Nhà máy luyện Gang thép của Công ty cổ phần Gang thép Vũng Áng (2.268 tỷ đồng); Nhà máy Sợi Nghệ Tĩnh (559,98 tỷ đồng) của Công ty CP Sợi Nghệ Tĩnh; Khu đô thị mới Xuân Thành (549,52 tỷ đồng) của Công ty CP Đầu tư phát triển Harumi…

Từ KKT Vũng Áng sôi động đến các cụm công nghiệp địa phương, các nhà máy, xí nghiệp liên tục “mọc” lên, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần quan trọng trong lộ trình cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2021-2025.

Theo Báo Hà Tĩnh

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo