Công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là dự án quan trọng quốc gia. Ảnh minh họa
UBKT của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương khóa XIII, Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó xác định “Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông”.
Dự án được lập cơ bản phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt. Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được quyết định, do đó đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cập nhật trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch có liên quan để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định của hệ thống quy hoạch và phát huy hiệu quả đầu tư.
Theo quy hoạch, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông dài 2.063 km, đến nay đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025 Chính phủ chỉ đề xuất đầu tư 729 km, do đó UBKT của Quốc hội đề nghị giải trình, làm rõ hơn việc đầu tư 27 km còn lại của tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Chính phủ đề xuất phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án theo quy mô 4-6 làn xe hoàn chỉnh. Tuy nhiên, giai đoạn phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 17 m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp). Do đó, một số ý kiến đề nghị đầu tư dự án theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 24,75 m (bao gồm 2 làn dừng xe khẩn cấp) để phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về đường ô tô cao tốc, đồng thời bảo đảm hiệu quả trong việc khai thác, mở rộng về sau. Ý kiến khác cho rằng việc đầu tư dự án theo quy mô mặt đường 24,75 m sẽ cần phải bổ sung thêm khoảng 50.000 tỷ đồng trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn hiện nay là khó khả thi, do đó tán thành với đề xuất của Chính phủ. UBKT của Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ vấn đề này.
Về những phương án thiết kế cụ thể
Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có một số ý kiến đề nghị cần sớm hoàn chỉnh hướng tuyến của dự án; rà soát kỹ lưỡng để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và giải pháp hiệu quả xử lý các khu vực có nền đất yếu, lưu ý các khu vực quốc phòng, an ninh, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, khu bảo tồn, vườn quốc gia. Bổ sung các giải pháp tránh gây ngập úng, ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ. Bố trí các đường gom, hầm chui dân sinh hợp lý.
Một số ý kiến đề nghị cần áp dụng triệt để các công nghệ tiên tiến, phương án thiết kế cầu, hầm… để tối ưu hóa hướng tuyến của dự án; bổ sung làm rõ phương án lựa chọn công nghệ chính cho các dự án thành phần thuộc dự án.
Do đó, UBKT đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung giải trình làm rõ những vấn đề trên. Ngoài ra, UBKT nhận thấy, có 81,5 km của dự án đi trùng với đường Hồ Chí Minh, vì vậy đề nghị bổ sung, làm rõ các đoạn tuyến của dự án đi trùng với các tuyến đường hiện hữu và phương án xử lý đối với các đoạn đi trùng để tránh ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân và hiệu quả của các dự án liên quan.
Thực tiễn triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 sau khi xác định được phạm vi GPMB của dự án đã tách công tác GPMB thành các dự án vận hành độc lập và giao chính quyền địa phương thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ GPMB phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy, UBKT đề nghị Chính phủ khẩn trương tổng kết kinh nghiệm và có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp địa phương để bảo đảm được tiến độ GPMB.
Về phương án phân chia các dự án thành phần, dự án được phân chia thành 12 dự án thành phần, trong đó có đoạn dài 88 km (đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn), có đoạn chỉ dài 36 km (đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi), do đó UBKT đề nghị làm rõ tính hợp lý trong việc phân chia các dự án thành phần và việc triển khai thu phí về sau.
Về tiến độ hoàn thành, dự án cần khoảng 3 năm để khởi công và khoảng 2-3 năm để thi công, khả năng đến năm 2026 mới hoàn thành toàn tuyến. Do đó, UBKT của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh lại tiến độ hoàn thành của dự án.
Ngoài ra, qua kết quả thực hiện giám sát Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cho thấy những khó khăn, vướng mắc về thiếu nguyên vật liệu, giá nguyên vật liệu tăng cao, bãi đổ thải… Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt để xử lý những vấn đề nêu trên, tránh ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án.
Theo Chinhphu.vn