Kiểm tra chuyên ngành vẫn “hành” doanh nghiệp

Tại Tờ trình số 8908/TTr-BKHĐT đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và những năm tiếp theo, Bộ KH-ĐT lưu ý, năm 2021, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm điểm hoặc giảm bậc so với năm 2020.

Theo Bộ KH-ĐT, mặc dù qua 8 năm kể từ khi Chính phủ ban hành và thực hiện các nghị quyết số 19 và số 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hiện vẫn còn khá nhiều rào cản trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành. Đây cũng là lĩnh vực mà doanh nghiệp “va vấp” nhiều hơn cả. 

Đơn cử, Hiệp hội Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây lại có văn bản gửi Chính phủ và Thủ tướng báo cáo về hoạt động kiểm tra hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu dùng làm thực phẩm lại bị áp vào danh mục kiểm dịch. Đây đã là lần thứ 3 trong năm 2021 VASEP khẩn thiết kiến nghị bỏ quy định này. Hai lần trước đó là vào tháng 3 và tháng 5.

Theo VASEP, bất cập này đã tồn tại suốt 6 năm qua và chưa được rà soát, sửa đổi theo quyết nghị cụ thể về nội dung này mặc dù đã được ghi rõ tại các Nghị quyết 19 (năm 2016, 2017, 2018, 2019) và Nghị quyết 02 (năm 2020, 2021) của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như Nghị định 85/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, VASEP còn kiến nghị bỏ quy định kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản chế biến nhập khẩu tiêu thụ nội địa, bởi những sản phẩm này được đánh giá không có nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản vào Việt Nam (các thủy sản chế biến dưới dạng đông lạnh, hàng khô… dùng làm thực phẩm cho người). Lập luận của VASEP không phải không có lý, vì vấn đề cốt lõi của kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật (trên cạn, dưới nước) nhập khẩu chính là kiểm soát sự lây lan dịch bệnh cho vật nuôi và môi trường vật nuôi. Sản phẩm nhập khẩu trong câu chuyện này là thực phẩm, dành cho người tiêu dùng chứ không phải để nuôi trồng…

Dường như dự thảo Nghị quyết 02 của Chính phủ năm nay – khi được ban hành – sẽ gỡ được nút thắt cho doanh nghiệp. Dự thảo nêu rõ sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2022-2023) là rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành, nhất là danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng và hàng hóa phải kiểm dịch động vật.

Giai đoạn 2 (2023-2025) rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng tập trung quản lý đối với thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm, hàng hóa khác có khả năng gây thương vong cho con người, gây nguy hại cho trẻ em, động thực vật.

Đồng thời, cắt giảm mạnh mẽ danh mục sản phẩm công nghiệp phải kiểm tra chất lượng. Đối với các sản phẩm, hàng hóa được cắt giảm, Nhà nước quản lý theo nguyên tắc Nhà nước quy định tiêu chuẩn an toàn, người sản xuất, kinh doanh tự tuân thủ…

Dự thảo nghị quyết cũng khẳng định việc sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng thay đổi việc kiểm tra từng lô hàng sang kiểm tra theo mặt hàng; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro một cách khoa học.

Trong bối cảnh việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng quốc tế ngày càng khó khăn và đòi hỏi nỗ lực cao hơn, thực sự rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự chia sẻ và hợp tác từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ có như thế, Việt Nam mới giữ được sức hút của mình đối với cộng đồng kinh doanh quốc tế và tạo ra những cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phục hồi, phát triển bền vững.

Theo SGGP

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo