Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% và sẽ hướng vào lĩnh vực ưu tiên, khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch.
“Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020.”
Đó là nhấn mạnh của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 được tổ chức ngày 28/12 tại Hà Nội.
Tín dụng tăng 12,97%
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến 28/12, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,97% so với cuối năm 2020 và dự kiến tính đến hết năm con số này sẽ là 14%. Với con số này, tương đương khoảng 1,19 triệu tỷ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế trong năm 2021.
Tín dụng tập trung chủ yếu vào nông nghiệp, nông thôn (tăng 10,21%) so với năm 2020 và chiếm 25,11% tổng dư nợ nền kinh tế; lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,45%; xuất khẩu tăng 7,81%; công nghiệp hỗ trợ tăng 20,86%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 24,86%.
Trước đó, tính đến hết tháng 11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 10,7% so với cuối năm 2020. Con số này tại thời điểm 29/10 chỉ đạt 8,72%.
Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã tiếp tục tăng mạnh trong tháng cuối cùng của năm 2021, trong vòng một tháng, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 2,27 điểm %.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước trong đầu quý 4 đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng, với việc nới thêm từ 1%-6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.
Theo giới phân tích, điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trong điều kiện nhiều ngân hàng thương mại đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.
Để đạt được kết quả này, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông và tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Tổng tiền lãi đã giảm gần 35.000 tỷ đồng
Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết từ đầu năm nay, cơ quan này đã chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh.
Tính đến 20/12, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng; tổng số tiền lãi lũy kế đến nay tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch COVID-19. Ước tính số lượng giao dịch được miễn phí chiếm khoảng 80%. Dự kiến tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ (hệ thống NAPAS) đã giảm cho khách hàng từ năm 2020 đến hết năm 2021 khoảng 2.557 tỷ đồng và giảm trên 250 tỷ đồng tiền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng trong năm 2021.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết trong những tháng đã qua, cơ quan quản lý tiền tệ vẫn duy trì quan điểm điều hành đồng bộ các công cụ chính sách để điều tiết thanh khoản phù hợp.
Trong đó, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí vốn để có điều kiện tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất được cơ quan này điều hành theo hướng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong khi đó, tỷ giá được điều hướng linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp.
“16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng tính đến nay đạt khoảng 18.600 tỷ đồng. Kết quả giảm lãi của các ngân hàng đều được công bố công khai để cho dư luận đánh giá. Đây là một trong những biện pháp cứng rắn quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách lãi suất. Tất nhiên, các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nhưng trong lúc này cần phải đồng hành chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nền kinh tế,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Nợ xấu tiếp tục là thách thức
Về nợ xấu, Phó Thống đốc cho biết đây là một trong những thách thức đối với hệ thống trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ nợ xấu (gồm nợ bán cho VAMC) đã tăng lên 3,79%. Nếu xét đến các tác động của dịch, các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01 (Thông tư 03 và Thông tư 14 sửa đổi), tỷ lệ nợ xấu dự báo lên tới 8,2% (cuối năm 2020 là 5,08%).
“Con số nợ xấu này không ai mong muốn nhưng do dịch bệnh nên chúng ta cần nhìn nhận khách quán để cùng xử lý. Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu này còn có thể cao hơn dịch tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế trong thời gian tới,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Phó Thống đốc nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% nhưng trong điều hành có thể tăng lên và cũng có thể dưới mục tiêu. Phương án tín dụng sẽ hướng vào lĩnh vực ưu tiên, khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch. Không tập trung vốn cho những lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản bao gồm đầu cơ, vốn cho dự án lớn với rủi ro hệ số cao.
“Không những không tăng tín dụng vào lĩnh vực không ưu tiên mà còn kiểm soát chặt chẽ, thậm chí sẽ còn thanh tra… Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thiên tai, dịch bệnh,” Phó Thống đốc nói.