Liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Việt bền vững

 Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2021 do Bộ Tài chính cùng VCCI tổ chức (Ảnh: VCCI).

Đại hội đại biểu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII sẽ diễn ra trong ngày 30 và 31/12. Sự kiện được kỳ vọng tạo sự liên kết mạnh mẽ hơn của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, cùng đồng lòng xây dựng đất nước trong giai đoạn tới.

Sáng tạo, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hoàn thành tốt các phương hướng, nhiệm vụ công tác chủ yếu của Đại hội lần thứ VI đề ra và những nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước giao phó.

Trước hết, sự tham gia vào xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ngày càng khẳng định vai trò của tổ chức đại diện cho giới sử dụng lao động này. Bên cạnh các hoạt động truyền thống, nhiều hoạt động mới có tính sáng tạo, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đã được triển khai.

Một trong những điểm nhấn sáng tạo là nỗ lực góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh.

Giai đoạn 2015-2020:
– Nghiên cứu, góp ý gần 700 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
– Tham gia: 214 ban soạn thảo, tổ biên tập; 390 hội đồng thẩm định, thẩm tra các dự án, dự thảo văn bản, kiểm tra văn bản…
– Hơn 2.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia xây dựng, góp ý pháp luật, chính sách với hơn 324 nghìn lượt người tham dự.

Cụ thể, VCCI tích cực tham gia góp ý, xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng và có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Cơ quan này thường xuyên cử thành viên trực tiếp tham gia các Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Hội đồng thẩm định xây dựng và thẩm định nhiều văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành. Trong đó, có rất nhiều văn bản rất quan trọng và tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế; chú trọng triển khai nhiều hoạt động rà soát, nghiên cứu về việc xây dựng và thực thi văn bản pháp luật.

VCCI cũng đề xuất nhiều sáng kiến góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể như, chủ trì điều tra, khảo sát và công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm được duy trì thường niên từ năm 2005; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban Cải cách thủ tục hành chính (Ban II) theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Thêm vào đó, tập trung rà soát những bất cập trong quá trình thực thi chính sách của các bộ, ngành, địa phương; phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát đánh giá mức độ cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực cụ thể quan trọng như thuế, hải quan, xây dựng… Đơn vị cũng đi đầu trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư (PPP).

Các hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn ngày càng được chú trọng nâng cao về chất lượng. VCCI tổ chức nhiều cuộc điều tra, khảo sát, công bố báo cáo thường niên doanh nghiệp, báo cáo về quan hệ lao động, báo cáo về danh nghiệp vừa và nhỏ, báo cáo về phát triển bền vững; xây dựng các báo cáo về tình hình thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã được tổ chức… Các văn bản này đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương coi là các tài liệu tham khảo quan trọng, làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tích cực, chủ động tham vấn và góp phần hoàn thiện các chính sách hội nhập đỉnh cao của đất nước. Hằng năm, VCCI thực hiện nhiều khuyến nghị, góp ý chính sách về các vấn đề hội nhập. Trong đó, đáng chú ý như: các khuyến nghị với Chính phủ về phương án đàm phán Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khuyến nghị với Chính phủ về cách thức hành động trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung; về việc thực thi mở cửa thị trường các dịch vụ theo CPTPP…

Đồng hành với doanh nghiệp

Liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Việt bền vững -0
Vinh danh top 10 doanh nghiệp bền vững tại “Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2021” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI tổ chức. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

Hai năm 2020-2021 vừa qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất-kinh doanh, đơn vị đã chủ động nắm bắt tình hình doanh nghiệp thông qua tổ chức các hội nghị giao ban trực tuyến với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát để tổng hợp, phân loại, đề xuất giải quyết hơn 600 kiến nghị của doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương.

Trong thực tế, VCCI tham gia sâu sát vào quy trình sửa đổi Bộ luật Lao động, góp ý các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm… Song hành với đó là quá trình tham gia thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Chính phủ về chính sách bảo hiểm xã hội, cải cách chính sách tiền lương, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác giáo dục nghề nghiệp.

Là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI đã tham gia đóng góp ý kiến tại các kỳ họp của các tổ chức quốc tế và khu vực như Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) tại Hoa Kỳ, Indonesia và Trung Quốc; Hội đồng Doanh nghiệp GMS tại Thái Lan, Philippines, Nhật Bản…; đại diện cộng đồng doanh nghiệp tham gia các ủy ban song phương và đa phương về hợp tác kinh tế, các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực.

Đơn vị cũng tổ chức thành công các sự kiện của doanh nghiệp trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, với Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS), Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp (APEC CEO Summit) và các hoạt động lớn trong năm ASEAN 2020.

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao trách nhiệm xã hội cũng là một trong những lĩnh vực trọng tâm. “Diễn đàn Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững” thường niên đã diễn ra từ năm 2014-2017. Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao Năng lực cạnh tranh giao VCCI làm đầu mối tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững trong các năm 2018-2020.

Đơn vị cũng xây dựng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) và tổ chức hằng năm Chương trình “Đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam”. Dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững đã triển khai. VCCI là một trong 69 đối tác thuộc Mạng lưới toàn cầu của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD); thành viên Tổ công tác của Chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững (DWCP) trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Việt Nam giai đoạn 2017-2021.

Tập trung cho giai đoạn phát triển mới

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát từ giữa năm 2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội nước ta, đặc biệt tác động mạnh mẽ tới cộng đồng doanh nghiệp cả nước.

Để ứng phó với tác động của dịch bệnh, Việt Nam đã thay đổi chiến lược ứng phó, trên tinh thần “thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch”. Dự kiến, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sẽ sớm được ban hành và triển khai trong thời gian tới.

Với bối cảnh đó, dự thảo về phương hướng nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ VII của VCCI xác định lại tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Điều này bảo đảm sát hơn với thực tế, cùng yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và đất nước. Với tầm nhìn mới “Doanh nghiệp phát triển – Quốc gia hưng thịnh”, tổ chức này hướng tới sứ mệnh liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới.

Trong giai đoạn mới, mục tiêu chung sẽ hướng tới năm nội dung, cụ thể:

Chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, tăng cường phối hợp công tác hiệu quả với các cơ quan liên quan để thúc đẩy hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN-4.

Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, bền vững, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh trong hội nhập, khai thác hiệu quả các cơ hội từ quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thúc đẩy phát triển số lượng doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc. Đồng thời xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành các chuẩn mực kinh doanh văn minh và thúc đẩy môi trường thông tin, truyền thông lành mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Nâng cao vai trò tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng doanh nghiệp, là trung tâm liên kết, hỗ trợ phát triển các hiệp hội doanh nghiệp, thực hiện tốt các chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, đồng thời thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, hiệu quả hoạt động của VCCI, xứng tầm là tổ chức quốc gia đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Đề xuất một số chỉ tiêu trong giai đoạn tới:

– Tổ chức đánh giá, xếp loại hằng năm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố;
– Thu hút 5.000 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI), tập trung vào các ngành da giày, túi xách, thủy – hải sản;
– Xây dựng và triển khai Bộ chỉ số Xanh (Green Index), thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương, doanh nghiệp;
– Xây dựng và triển khai các quy ước, quy tắc về ứng xử và đạo đức kinh doanh, hình thành Hệ giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam;
– Thành lập các hội đồng doanh nghiệp theo khu vực tại 7 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước;
– Hỗ trợ vận động thành lập các hiệp hội doanh nghiệp địa phương, phấn đấu đạt đủ 63/63 tỉnh, thành phố;
– Thực hiện tốt vai trò đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và trong các cơ chế hợp tác đa phương…

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu này, Ban Chấp hành VCCI trong nhiệm kỳ mới cần triển khai sáu nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, sẽ tập trung vào ba đột phá chiến lược.

Trước hết, tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh. Thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, tạo sức hút cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài và động lực cho thành lập, phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa của doanh nhân Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng, khuyến khích và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử của doanh nhân, doanh nghiệp.

Đồng thời, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh. Tập trung hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ số; các ngành có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông; an toàn, an ninh mạng; tài chính-ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số…

Theo Báo Nhân dân

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo