Các tuyến đường sắt này đi qua địa phận các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu. Do đó, theo quy định của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với các địa phương liên quan. Trường hợp các địa phương thỏa thuận thống nhất giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền chủ trì, Bộ GTVT sẽ ủng hộ. Việc sớm chọn cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ 2 dự án, đáp ứng mục tiêu đưa vào khai thác đồng bộ với sân bay quốc tế Long Thành vào năm 2025.
Bộ GTVT cũng cho biết, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành có chiều dài khoảng 38km, có mức đầu tư dự kiến 40.500 tỷ đồng, kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Hiện, dự án đang trong giai đoạn lập nghiên cứu tiền khả thi. Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài 84km, mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức PPP. Hiện tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Cục Đường sắt Việt Nam đã cung cấp thông tin, hướng dẫn các nhà đầu tư các thủ tục liên quan theo quy định pháp luật Việt Nam.
Theo SGGP