Sản xuất công nghiệp của Indonesia năm 2021 phục hồi: nhập khẩu nguyên, phụ liệu tăng

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2021, có tới 24/32 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ năm 2020, ngay cả khi nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng Covid-19 trong quý III/2021.

Indonesia có tiềm năng để trở thành cường quốc công nghiệp khu vực Đông Nam Á nhờ diện tích rộng lớn, tiềm năng về nguồn nhân lực có tay nghề cao. Trước đây, với mô hình phát triển truyền thống dựa vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, ngành công nghiệp Indonesia vẫn ở dưới mức tiềm năng. Trong những năm gần đây, Chính phủ Indonesia xác định khu vực công nghiệp là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và ngành công nghiệp của Indonesia đã có sự cải thiện đáng kể. Các ngành công nghiệp mũi nhọn Indonesia đầu tư phát triển gồm: hóa chất và dệt may; kim loại, máy móc, giao thông vận tải và điện tử. 

Để hỗ trợ tăng trưởng và đưa ngành công nghiệp trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Công nghiệp Indonesia ban hành “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn 2015 – 2035 tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp thượng nguồn và công nghiệp trung gian dựa vào tài nguyên thiên nhiên, nâng cao việc sử dụng công nghệ công nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực”. Các mục tiêu chính bao gồm tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp vào GDP từ khoảng 20% năm 2018 lên 30% vào năm 2035 và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thô và hàng hóa vốn nhập khẩu để giải quyết thâm hụt thương mại.

Kế hoạch tổng thể này được hỗ trợ bởi chiến lược Making Indonesia 4.0 mới, nhằm hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng mức độ tự động hóa cao hơn và sử dụng các công nghệ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, giúp tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu trong năm ngành công nghiệp mục tiêu là thực phẩm và đồ uống, ô tô, dệt may, điện tử và hóa chất. Ngành dệt may là một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Indonesia. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo cơ hội cho ngành dệt may Indonesia, với một số công ty được cho là đang cân nhắc chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia. Tuy nhiên, đã không có công ty nào chọn Indonesia để đầu tư nhà máy. Thay vào đó, Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Malaysia được chọn. Các quy định lao động, khoảng cách cơ sở hạ tầng và chế độ hành chính của Indonesia được coi là nguyên nhân khiến nước này không được các nhà đầu tư lựa chọn.

Ngành công nghiệp thép của Indonesia nhìn chung được đánh giá là không còn tiềm năng, nhưng điều này có thể thay đổi do Chính quyền hiện tại thúc đẩy mở rộng và cải thiện cơ sở hạ tầng. Động lực cơ sở hạ tầng của chính phủ và kế hoạch Lập Indonesia 4.0 cũng được thiết lập để mang lại lợi ích cho ngành khi nhu cầu đầu vào tăng cho các dự án. Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Gang thép Indonesia, tiêu thụ thép của Indonesia dự kiến sẽ đạt 22,7 triệu tấn vào năm 2024, tăng hơn 50% so với năm 2018.

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Indonesia, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế tạo của nước này giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 0,38%/năm, từ 131,15% năm 2016 tăng lên 131,9% năm 2020. Tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế tạo vào GDP là 19,7% vào năm 2019 và 20,79% vào năm 2020, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống đóng góp ở mức 6,4% vào GDP (năm 2019), hóa chất và dược phẩm, hàng kim loại và điện tử cùng có mức đóng góp 1,68%, thiết bị giao thông (1,63%); dệt may (1,26%); sản phẩm thuốc lá (0,89%), kim loại chế biến (0,73%), sản phẩm giấy (0,69%), sản phẩm cao su và plastic (0,56%).

Điều này cho thấy ngành công nghiệp chế tạo là lĩnh vực hàng đầu có đóng góp lớn nhất so với các lĩnh vực khác. Cập nhật số liệu công bố mới nhất, trong 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế tạo của Indonesia đạt 152,8%, tăng mạnh 11,86% so với cùng kỳ năm 2020.

Giai đoạn 2016 – 2020, chỉ số sản xuất ngành may mặc và dược phẩm của Indonesia có tốc độ tăng trưởng bình quân cao, lần lượt 6,02%/ năm và 7,95%/năm, từ 110,62% và 181,57% năm 2016 tăng lên 132,84% và 245,65% năm 2020.

Ngược lại, chỉ số sản xuất các ngành dệt, may giảm bình quân 1,83%/năm, từ 68,68% năm 2016 xuống 62,78% năm 2020; ngành công nghiệp da, hàng da và giày dép giảm bình quân 2,81%/năm, từ 148,21% năm 2016 xuống 122,87% năm 2020; ngành sản xuất gỗ, hàng hóa từ gỗ và nứa giảm 4,29%/năm, từ 78,65% năm 2016 xuống 65,76% năm 2020; ngành sản xuất giấy và hàng hóa bằng giấy giảm 0,9%/năm, từ 92,11% năm 2016 xuống 88,49% năm 2020; sản xuất máy tính, điện tử và quang học giảm bình quân 15,14%/năm, từ 117,49% năm 2016 xuống mức thấp nhất 58,92% năm 2020… nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước giảm và do những hạn chế giãn cách xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, đóng góp vào mức tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo gồm các ngành như: Ngành sản xuất giấy và hàng hóa bằng giấy; sản xuất cao su và sản phẩm nhựa; ngành chế biến và bảo quản thịt, cá, trái cây, rau củ, dầu và chất béo; ngành phân bón; ngành đồ uống và thuốc lá; ngành may mặc và giày dép; ngành công nghiệp gỗ xẻ và chế biến; ngành công nghiệp hóa chất cơ bản … Sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Indonesia kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ cho ngành tăng.

Theo Cơ quan Thống kê Indonesia, nhập khẩu hàng hóa của nước này giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 2,3%/năm, từ 135,65 tỷ USD năm 2016 tăng lên 141,57 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, Indonesia nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam khá ổn định, ở mức 3,13 tỷ USD vào năm 2020.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hàng hóa của Indoneisa tăng mạnh 49,78% so với cùng kỳ năm 2020, đạt mức cao kỷ lục 139,21 tỷ USD. Trong đó, trị giá nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng 3,299%, đạt 3,5 tỷ USD; nguyên phụ liệu tăng 37,97%, đạt xấp xỉ 29 tỷ USD; tư liệu sản xuất tăng 18,42%, đạt 3,11 tỷ USD.

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Indonesia bao gồm: Máy móc, thiết bị cơ khí, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi; và các bộ phận (HS 84), chiếm thị phần 15,4% năm 2020; Máy móc, thiết bị điện và các bộ phận; máy ghi âm và tái tạo âm thanh, tivi (HS 85), thị phần chiếm 13,47%; Nhiên liệu khoáng, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất, thị phần chiếm 11,14%; chất bitum; khoáng chất (HS 27); Nhựa và các sản phẩm bằng chất dẻo (HS 39); Sắt và thép (72); Hóa chất hữu cơ (HS 29); Các phương tiện không phải đầu máy toa xe đường sắt hoặc đường xe điện và các bộ phận (HS 07); Ngũ cốc (HS 10).

Đây đều là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu. Với sự phục hồi mạnh trong sản xuất công nghiệp Indonesia, Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu các mặt hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; hàng dệt, may; chất dẻo nguyên liệu; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; xơ, sợi dệt các loại; sản phẩm từ chất dẻo.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2021, có tới 24/32 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ năm 2020, ngay cả khi nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng Covid-19 trong quý III/2021.

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo