Một số quy định của Việt Nam vượt cả cam kết CPTPP

Các đại biểu cho rằng, việc soạn thảo nội dung văn bản pháp luật liên quan các FTA cần được thực hiện càng sớm càng tốt – Ảnh:VGPCác đại biểu cho rằng, việc soạn thảo nội dung văn bản pháp luật liên quan các FTA cần được thực hiện càng sớm càng tốt – Ảnh:VGP
Ngày 10/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Đại sứ quán Australia tổ chức hội thảo “Hoạt động Xây dựng Pháp luật thực thi CPTPP-Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách”.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng việc đánh giá quá trình thực hiện các hoạt động xây dựng pháp luật để thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từ đó nhận diện những nguyên nhân thành công và bất cập có ý nghĩa rất quan trọng.

Đây là cơ sở để Việt Nam rút ra những bài học kinh nghiệm trực tiếp cho giai đoạn tiếp theo của quá trình thực thi các cam kết có lộ trình dài hơn, có nội dung thử thách hơn của CPTPP. Mặt khác, những hàm ý chính sách từ đây có thể là kim chỉ nam hữu dụng cho các hoạt động XDPL thực thi các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trong thời gian tới.

Đến nay, CPTPP có hiệu lực với Việt Nam được gần 3 năm. Là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao đầu tiên mà Việt Nam từng tham gia, CPTPP có tác động trực tiếp tới nhiều chế định pháp luật nội địa của Việt Nam. Do đó, cần khẩn trương bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa nhằm bảo đảm tương thích với cam kết là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình thực thi Hiệp định này.

Theo ông Charles Thursby-Pelham, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, việc rà soát toàn diện các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP này là nguồn thông tin hữu ích cho các cơ quan Nhà nước, VCCI, các hiệp hội và mỗi doanh nghiệp khi đánh giá về những lợi ích từ Hiệp định này. Việc rà soát có ý nghĩa cho các bước tiếp theo trong quá trình thực thi CPTPP nói riêng và các FTA nói chung trong thời gian tới”.

Chia sẻ về việc rà soát hoạt động xây dựng pháp luật, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết tổng hợp của VCCI cho thấy, có tổng cộng 7 luật, 6 nghị định và 6 thông tư được sửa đổi hoặc xây dựng mới để đáp ứng yêu cầu thực thi CPTPP…

Về tính tương thích, phần lớn các quy định trong các VBQPPL này đều tương thích với cam kết CPTPP. Thậm chí, một số quy định có nội dung vượt chuẩn cam kết, thực hiện ở mức cao hơn so với yêu cầu hoặc với lộ trình sớm hơn (chủ yếu liên quan tới quy trình đấu thầu gói thầu CPTPP).

Tất cả các văn bản này đều bảo đảm hiệu lực thực thi từ 14/1/2019 theo đúng cam kết CPTPP, bằng nhiều cách thức khác nhau như hồi tố thời điểm hiệu lực, ban hành văn bản hướng dẫn thực thi tạm thời.

Từ những bài học kinh nghiệm trong hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP giai đoạn 2019-2021, bà Nguyễn Thị Thu Trang nêu một số khuyến nghị để nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật nhằm tiếp tục thực thi CPTPP cũng như các FTA mới ký kết/có hiệu lực của Việt Nam.

Theo đó, hoạt động rà soát tính tương thích với cam kết FTA và lập kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi cam kết cần đươc thực hiện một cách bao trùm hơn, có tính liên ngành, minh bạch và tham vấn đầy đủ với các đối tượng liên quan.

Việc soạn thảo nội dung văn bản pháp luật liên quan cần được thực hiện càng sớm càng tốt, thậm chí từ khi văn kiện FTA được ký kết chính thức mà không chờ tới khi phê chuẩn.

Cơ quan soạn thảo cần chú trọng hoạt động tham vấn doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động trong quá trình dự thảo, thông tin cung cấp cho doanh nghiệp nên bao gồm không chỉ dự thảo văn bản mà còn các tài liệu thuyết minh và giải trình.

Quá trình thực thi cam kết cần được theo dõi thường xuyên và cần phổ biến rộng rãi cũng như thiết lập các đầu mối tư vấn hướng dẫn cụ thể, xử lý ngay các bất cập cũng như sửa đổi, điều chỉnh quy định khi cần thiết.

Các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi các FTA cần được xem xét mở rộng mục tiêu, xây dựng pháp luật không chỉ để tuân thủ cam kết mà còn để đáp ứng chính nhu cầu nội tại của Việt Nam trong quá trình hội nhập FTA.

Theo Chinhphu.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo