Dự thảo nêu rõ nguyên tắc giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài là đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục và trên cơ sở quy định pháp luật; không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi đối tượng, thời gian và nội dung kiểm tra; công khai, minh bạch, không gây cản trở, ảnh hưởng xấu đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang trong quá trình giám sát, đánh giá.
Về thẩm quyền giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài, dự thảo quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài; giám sát và đánh giá tổng thể dự án có vốn đầu tư nước ngoài; kiểm tra các dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; dự án có quy mô lớn, tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội; các dự án khác theo chỉ đạo của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên ngành: Chủ trì giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật chuyên ngành đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài có liên quan tới lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá tổng thể về hoạt động đầu tư nước ngoài trong phạm vi quản lý của địa phương; trực tiếp hoặc giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giám sát, đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn…
Kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài
Theo dự thảo, nội dung kiểm tra tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm:
Tiến độ góp vốn điều lệ, vốn đầu tư; tình hình góp vốn pháp định (đối với ngành có quy định vốn pháp định); tổng vốn đầu tư thực tế so với tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiến độ triển khai dự án; việc thực hiện các mục tiêu đầu tư của dự án; việc thực hiện và chuyển giao công nghệ theo cam kết của dự án (Nội dung công nghệ, hiệu quả chuyển giao công nghệ, việc lắp đặt máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư); việc thực hiện các cam kết và đáp ứng điều kiện đầu tư, điều kiện tiếp cận thị trường, điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của nhà đầu tư khi dự án đi vào hoạt động.
Việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước…).
Việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động, quản lý ngoại hối, môi trường, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và các quy định về pháp luật chuyên ngành khác.
Tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như: Trị giá tài sản góp vốn của các bên (giá trị quyền sử dụng đất; giá trị tài sản máy móc, thiết bị; quyền sở hữu trí tuệ…); việc sử dụng đúng mục đích về nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu.
Các nội dung khác liên quan tới triển khai thực hiện dự án đầu tư, gồm: Việc chấp hành quy định về giám sát, đánh giá đầu tư và về chế độ báo cáo, thống kê theo quy định; các nội dung khác liên quan đến dự án đầu tư…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Chinhphu.vn