Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, Bộ Công Thương, mặc dù Áo đã có Luật chống độc quyền từ năm 1951, nhưng thể chế của nước này thường được coi là “trẻ hơn” so với hầu hết các nước Châu Âu (EU) khác.
Hiện nay, pháp luật cạnh tranh của Áo được thể hiện trong các đạo luật cụ thể như sau:
– Đạo luật Cạnh tranh Liên bang Áo (Federal Competition Act): Đạo luật này gồm 21 Điều được chia thành 7 phần quy định về: (i) chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cơ quan cạnh tranh Liên bang Áo – Federal Competition Authority of Austria (gọi tắt là FCA); (ii) hoạt động điều tra; (iii) nguyên tắc áp dụng pháp luật cạnh tranh; (iv) chính sách khoan hồng.
– Đạo luật về cartel Liên bang Áo (Federal Cartel Act): Đạo luật về TTHCCT Liên Bang được ra đời vào năm 2005 và được sửa đổi vào ngày 21 tháng 9 năm 2017. Về cơ bản, Đạo luật này được chia thành 7 Phần gồm 95 Điều, bao gồm các quy định về: (i) Các hành vi hạn chế cạnh tranh (TTHCCT, Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, Kiểm soát TTKT); (ii) Thực thi pháp luật cạnh tranh; (iii) Tố tụng cạnh tranh; (iv) chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tòa án Cartel (Cartel Court), Tòa án Cartel Tối cao (Supreme Cartel Court), Viện Công tố Cartel Liên bang; (v) Áp dụng pháp luật cạnh tranh EU.
2. Quy định về hành vi Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (TTHCCT)
Quy định về TTHCCT được thể hiện cụ thể tại Chương 1 của Phần 1 Quy định về các Hành vi hạn chế cạnh tranh. Theo đó, khoản 1 Điều 1 quy định “Bất kỳ thỏa thuận nào giữa các doanh nghiệp, quyết định của các hiệp hội doanh nghiệp và các hoạt động phối hợp có mục tiêu hoặc tác động nhằm ngăn chặn, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh sẽ bị cấm”.
Khoản 2 Điều 1 của Luật quy định cụ thể các dạng thỏa thuận bị cấm tuyệt đối như sau:
1. Các thỏa thuận trực tiếp hoặc gián tiếp ấn định giá mua và giá bán hoặc bất kỳ điều kiện đối với các giao dịch khác;
2. Các thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát sản xuất, thị trường, phát triển kỹ thuật hoặc đầu tư;
3. Các thỏa thuận phân chia thị trường hoặc nguồn cung;
4. Các thỏa thuận áp dụng các điều kiện khác nhau đối với các giao dịch tương đương với các đối tác thương mại khác nhau, nhằm đặt họ vào thế bất lợi trong cạnh tranh;
5. Các thỏa thuận nhằm thực hiện việc giao kết hợp đồng mà các bên của hợp đồng phải chấp nhận các nghĩa vụ bổ sung mà về bản chất hoặc theo mục đích thương mại, không liên quan đến đối tượng của hợp đồng.
2.1. Miễn trừ TTHCCT
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 2 có quy định về những trường hợp nhất định khi một TTHCCT được quy định tại khoản 2 Điều 1 có thể được hưởng miễn trừ và được cho phép thực hiện, đó là khi những thỏa thuận đó góp phần cải thiện việc sản xuất, phân phối hàng hóa hoặc thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, kinh tế, đồng thời đem đến các lợi ích cho người tiêu dùng. Đồng thời, thỏa thuận đó phải không được phép:
1. Áp đặt lên các doanh nghiệp khác có liên quan những điều kiện bất lợi với mục đích nhằm đạt được các mục tiêu của thỏa thuận;
2. Mang lại cho những các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận khả năng loại bỏ cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường liên quan của các sản phẩm, dịch vụ đó.
2.2. Chính sách khoan hồng
Chính sách khoan hồng là một chế định khá hiệu quả nhằm phát hiện và xử lý các vụ việc TTHCCT được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Chương trình khoan hồng đặt ra các điều kiện để được miễn trừ toàn bộ tiền phạt hoặc giảm mức tiền phạt.
Phạm vi áp dụng của chương trình khoan hồng bao gồm đầy đủ các điều cấm được quy định trong Mục 1 Đạo luật Cartel Liên bang Áo và Điều 101 TFEU, không giới hạn đối với các thỏa thuận thông đồng giữa hai hoặc nhiều đối thủ cạnh tranh ở cùng cấp độ của chuỗi sản xuất hoặc phân phối (thỏa thuận theo chiều ngang trên cùng thị trường liên quan).
3. Quy định kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
3.1. Xác định vị trí thống lĩnh
– Khoản 1 Điều 4 của Đạo luật Cartel Liên bang Áo có quy định Một doanh nghiệp sẽ được coi là có vị trí thống lĩnh khi có các biểu hiện sau với tư cách là bên mua hoặc bên bán:
1. Không phải chịu bất kỳ sự cạnh tranh hoặc chỉ chịu sự cạnh tranh không đáng kể từ các doanh nghiệp khác trên cùng thị trường liên quan;
2. Nắm giữ vị trí ưu thế trên thị trường so với các đối thủ cạnh tranh; về vấn đề này, cần đặc biệt chú ý đến sức mạnh tài chính của doanh nghiệp đó, mối quan hệ với các doanh nghiệp khác, cơ hội tiếp cận thị trường cung ứng và thị trường bán hàng cũng như các khả năng hạn chế việc gia nhập thị trường đối với các doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, Luật còn quy định các ngưỡng giả định nhằm xác định vị trí thống lĩnh thị trường của một doanh nghiệp tại Khoản 2 Điều 4 như sau:
1. Chiếm thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan;
2. Chiếm thị phần từ 5% trở lên và bị cạnh tranh bởi không quá 02 doanh nghiệp khác;
3. Chiếm thị phần từ 5% trở lên và là một trong 04 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường liên quan có tổng thị phần trên 80%.
– Khoản 1a Điều 4 Đạo luật Cartel Liên bang Áo, đã được đưa vào Đạo luật sửa đổi từ năm 2012 và xác định vị trí thống lĩnh của một nhóm doanh nghiệp theo Luật chống độc quyền của Áo. Cụ thể: Hai hoặc nhiều doanh nghiệp sẽ được coi là có vị trí thống lĩnh nếu không tồn tại sự cạnh tranh đáng kể nào giữa các doanh nghiệp này và đồng thời đáp ứng các tiêu chí tại Khoản 1 Điều 4.
Đối với nhóm doanh nghiệp thống lĩnh, khoản 2a Điều 4 đã quy định các ngưỡng giả định đối với các nhóm doanh nghiệp cụ thể:
Nếu một nhóm doanh nghiệp với tư cách bên mua hoặc bên bán trên TTLQ đáp ứng các tiêu chí sau thì sẽ được coi là nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh:
1. Tổng thị phần chiếm trên 50% và bao gồm nhiều nhất 03 doanh nghiệp;
2. Có thị phần chiếm trên hai phần ba tổng thị phần trên thị trường và bao gồm nhiều nhất 05 doanh nghiệp.
3.2. Những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh bị cấm
Khoản 1 Điều 5 Đạo luật Cartel Liên bang Áo có quy định:
Việc lạm dụng vị trí thống lĩnh sẽ bị nghiêm cấm. Cụ thể, những hành vi sau đây sẽ được coi là lạm dụng:
1. Áp đặt giá mua hoặc giá bán hoặc các điều khoản kinh doanh khác trong khi các hành vi này rất khó xảy ra nếu có sự cạnh tranh hiệu quả, đặc biệt so sánh với hành vi của doanh nghiệp tại các thị trường khác tương đương nơi có sự cạnh tranh hiệu quả;
2. Hạn chế sản xuất, giới hạn thị trường hoặc cản trở phát triển kỹ thuật dẫn đến gây bất lợi cho người tiêu dùng;
3. Phân biệt đối xử các đối tác hợp đồng khác nhau bằng cách áp dụng các điều khoản kinh doanh khác nhau cho các giao dịch tương đương;
4. Áp đặt điều kiện ký kết hợp đồng đối với các bên khác của hợp đồng phải chấp nhận các nghĩa vụ bổ sung, mà về bản chất cũng như mục đích thương mại không liên quan đến đối tượng của hợp đồng;
5. Bán hàng dưới giá vốn mà không có bất kỳ lý do khách quan nào.
Nhìn chung, khái niệm lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường theo Điều 5 Đạo luật Cartel Liên bang Áo phần lớn tương tự với quy định tại Điều 102 Luật Cạnh tranh EU (TFEU). Do đó, các án lệ của EC cũng như các tòa án EU trong các vụ việc điều tra xử lý đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường cũng có liên quan đến các vụ việc trong lãnh thổ của Áo.
4. Quy định về kiểm soát hoạt động Tập trung kinh tế (TTKT)
4.1. Ngưỡng thông báo TTKT
Các hoạt động TTKT nói chung, theo quy định của luật cạnh tranh các quốc gia trên thế giới, trong đó có Áo, hầu như đều được quy định phải thông báo cho cơ quan Cạnh tranh của quốc gia đó. Tuy nhiên, không phải bất cứ hoạt động TTKT nào cũng phải tiến hành thủ tục thông báo, Đạo luật Cartel Liên bang Áo đã đặt ra các ngưỡng (dựa vào doanh thu của các doanh nghiệp tham gia trong năm tài chính trước đó) để quy định trách nhiệm thông báo hoạt động TTKT của doanh nghiệp (được nộp thành 04 bản giống nhau bao gồm các phụ lục bắt buộc được quy định tại Điều 10 Đạo luật Cartel Liên bang Áo.).
Cụ thể, hoạt động TTKT sẽ phải thông báo cho Cơ quan cạnh tranh Áo trước khi thực hiện, nếu tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp liên quan trong năm tài chính cuối cùng trước khi thực hiện là:
1. Hơn 300 triệu EUR trên thị trường toàn cầu;
2. Hơn 30 triệu EUR trên thị trường nội địa;
3. Ít nhất hai trong số các doanh nghiệp tham gia có doanh thu hàng năm hơn 5 triệu EUR mỗi doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, có thể được loại trừ khỏi trách nhiệm thông báo theo quy định trên nếu các vụ TTKT mà các bên đạt được tổng doanh thu (trong năm tài chính liền kề trước đó) thuộc các trường hợp sau:
1. Chỉ một trong những doanh nghiệp tham gia có doanh thu trên 5 triệu EUR trên thị trường nội địa;
2. Tổng doanh thu trên thị trường toàn cầu của các doanh nghiệp tham gia khác không vượt quá 30 triệu EUR.
Bên cạnh đó, xuất phát từ việc các nước EU có mối quan tâm đặc biệt tới các công ty công nghệ, truyền thông cũng như thị trường cung cấp các dịch vụ, sản phẩm truyền thông, do sự tăng cao của các hành vi có dấu hiệu ảnh hưởng tới cạnh tranh trong lĩnh vực này, pháp luật cạnh tranh của nước Áo nói riêng cũng đã dành một sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động TTKT trên thị trường truyền thông. Đạo luật Cartel Liên bang đã dành riêng Điều 8 trong luật này để quy định về các hoạt động TTKT trong lĩnh vực truyền thông (Media Mergers). Theo đó, đối với ngưỡng thông báo TTKT nêu trên, doanh thu của các công ty truyền thông và dịch vụ truyền thông sẽ được nhân với hệ số 200, doanh thu của các công ty hỗ trợ truyền thông sẽ nhân với hệ số 20.
4.2. Miễn trừ đối với các hoạt động TTKT bị cấm
Tuy rằng việc TTKT tạo ra hoặc giúp một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trong hầu hết các trường hợp đều sẽ bị cấm, nhưng cũng tùy từng trường hợp nếu thẩm định thấy rằng việc TTKT này thỏa mãn các yếu tố, điều kiện sau thì sẽ được thông qua một cách có điều kiện:
1. Có thể dự đoán được rằng sau hoạt động TTKT như vậy, một vị trí thống lĩnh thị trường mới có thể tạo ra những cải thiện đáng kể đối với các điều kiện cạnh tranh trên thị trường hiện tại, những lợi ích này là nhiều hơn so với những bất lợi mà vị trí thống lĩnh này đem lại;
2. Việc TTKT như vậy là cần thiết và hợp lý về mặt kinh tế để duy trì hoặc cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế của các doanh nghiệp trong nước tham gia.
Những hoạt động TTKT bị cấm bởi các điều từ 7 đến 18 của Đạo luật Cartel Liên bang Áo sẽ không áp dụng đối với việc mua lại cổ phần của một doanh nghiệp:
1. Một tổ chức tín dụng mua lại cổ phiếu cho mục đích bán lại;
2. Một tổ chức tín dụng mua lại cổ phần nhằm mục đích cơ cấu lại một doanh nghiệp đang gặp khó khăn hoặc bảo đảm các cáo buộc chống lại doanh nghiệp đó;
3. Cổ phiếu được mua bằng cách sử dụng vốn cổ phần, hoặc kinh doanh tài trợ vốn, hoặc được mua lại bởi một doanh nghiệp có mục đích duy nhất là mua cổ phần của các doanh nghiệp để quản lý các cổ phần đó và bán lại chúng.
4.3. Thẩm định thông báo TTKT
Việc thẩm định hồ sơ TTKT giai đoạn đầu tiên sẽ được Cơ quan cạnh tranh Áo thực hiện trong vòng 04 tuần. Sau khi nhận được thông báo, Cơ quan cạnh tranh Áo sẽ chuyển thông báo bao gồm cả các phụ lục cho Công tố viên Cartel liên bang, đồng thời đăng công khai Thông báo TTKT. Thông báo TTKT sẽ bao gồm tên của các doanh nghiệp liên quan và mô tả ngắn gọn về bản chất của việc TTKT, các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng cũng như bất kỳ trường hợp nào khác có liên quan đến việc thực hiện TTKT. Hơn nữa, bất kỳ sửa đổi nào đối với thông báo liên quan đến các sự kiện được công bố công khai cũng sẽ được công khai.
Sau thời hạn 04 tuần của giai đoạn thẩm định đầu tiên, Cơ quan cạnh tranh Áo sẽ có quyền yêu cầu Tòa Án Cartel thực hiện thẩm định bổ sung hồ sơ thông báo TTKT nếu đến thời điểm đó: Cơ quan cạnh tranh Áo vẫn giữ quan điểm rằng việc sáp nhập có tiềm ẩn nguy cơ gây ra các tác động xấu đến cạnh tranh trên thị trường và không có biện pháp thích hợp nào để loại bỏ những nguy cơ này được các doanh nghiệp thực hiện đưa ra; hoặc Cơ quan cạnh tranh Áo chưa thể đánh giá ảnh hưởng của việc TTKT đối với các vấn đề cạnh tranh.
Khi hồ sơ thông báo TTKT được chuyển sang, Tòa án Cartel sẽ tiến hành thẩm định theo yêu cầu của Cơ quan cạnh tranh Áo và sẽ ra các kết luận về việc có cấm hoạt động TTKT đó hay không, việc thẩm định chủ yếu sẽ tập trung vào việc có hay không việc TTKT sẽ tạo ra hoặc sẽ giúp doanh nghiệp có được vị trí thống lĩnh trên thị trường.
5. Cơ quan cạnh tranh của Áo
5.1. Cơ quan Cạnh tranh Liên bang Áo
Cơ quan Cạnh tranh Liên bang Áo (Bundeswettbewerbsbehörde, Federal Competition Authority of Austria – FCA hoặc BWB) là cơ quan có quyền công tố của Áo trong các vụ việc cạnh tranh. Các trách nhiệm chính của họ là điều tra các hành vi HCCT cũng như xem xét giai đoạn đầu tiên của việc mua bán, sáp nhập.
Đạo luật Cạnh tranh Liên bang Áo quy định rằng, FCA là cơ quan cấp Tổng cục, trực thuộc Bộ Kinh tế và Kỹ thuật số của Chính phủ Áo và có toàn quyền kiểm soát việc xử lý và điều tra các vấn đề liên quan đến cạnh tranh, một cách độc lập và tự chủ.
Không giống như hầu hết các cơ quan quản lý cạnh tranh châu Âu khác nói chung, FCA không có quyền ra quyết định, thay vào đó tất cả các quyết định về vi phạm các quy tắc hành vi chống độc quyền và về việc sáp nhập (trong quá trình tố tụng giai đoạn 2) đều do Tòa án Cartel (Cartel Court) – một bộ phận chuyên trách của Tòa phúc thẩm Vienna. Tuy vậy, FCA cũng có một số thẩm quyền về việc ra quyết định vì bản thân cơ quan này có quyền yêu cầu cung cấp thông tin (thay vì chỉ thông qua các thủ tục tố tụng trước Tòa án Cartel) bằng cách ban hành các quyết định ràng buộc và phạt tiền nếu các quyết định nêu trên không được tuân thủ. Mặc dù Tòa án Cartel có thẩm quyền xem xét và xử lý các tranh chấp của các bên tư nhân, tuy nhiên đơn đề nghị phạt tiền cũng như đơn xin xem xét lại giai đoạn 2 về việc sáp nhập chỉ có thể được đệ trình bởi FCA và Hiệp hội Luật sư chống độc quyền liên bang (Bundeskartellanwalt, Federal Antitrust Attorney – FAA). Theo đó Hiệp hội báo cáo với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, chịu trách nhiệm bảo vệ lợi ích công cộng trong việc thực thi pháp luật cạnh tranh.
Các chức năng, nhiệm vụ này của FCA chủ yếu được dựa theo quy định tại Đạo luật Cạnh tranh Liên Bang Áo và Đạo Luật Cartel Liên Bang Áo, cũng như Điều 101 và Điều 102 của TFEU, và Quy chế kiểm soát TTKT châu Âu.
Kể từ khi Đạo luật hợp tác bảo vệ người tiêu dùng Áo (Consumer Protection Cooperation Act -VBKG) có hiệu lực vào cuối năm 2006, FCA đã có thêm nhiệm vụ giải quyết các vi phạm trong nội bộ EU nhằm thực hiện một số công tác bảo vệ người tiêu dùng và để chuyển các chỉ thị liên quan của EU thành luật pháp, đồng thời hợp tác với EC và các cơ quan có thẩm quyền khác.
Theo Báo cáo thường niên gửi OECD, năm 2020, FCA có tổng cộng 42 nhân sự, 32 người trong số đó là người trực tiếp được giao xử lý vụ việc, đã được FCA tuyển dụng tính đến ngày báo cáo 31/12/2020 (cụ thể, trong lĩnh vực pháp luật: 21 người; lĩnh vực kinh tế: 08 người; lĩnh vực quản lý công: 01 người và lĩnh vực công nghệ thông tin: 02 người).
5.2. Ủy ban Cạnh tranh
Ủy ban Cạnh tranh Áo là cơ quan tư vấn thuộc FCA. Cơ quan này bao gồm tám thành viên có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về kinh tế, quản lý kinh doanh, chính trị xã hội, công nghệ hoặc pháp luật kinh doanh. Các thành viên của Ủy ban Cạnh tranh Áo được Bộ Kinh tế và Kỹ thuật số Liên bang bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm. Ngoài ra, Phòng Kinh tế Liên bang Áo, Phòng Lao động Liên bang, Liên đoàn Công đoàn Áo và Hiệp hội Nông nghiệp Áo đều có quyền đề cử một thành viên đại diện. Khi thực hiện hoạt động của mình, các thành viên đại diện không bị ràng buộc bởi các hướng dẫn và được giữ bí mật.
5.3. Viện Công tố Cartel Liên bang
Ngoài Cơ quan Cạnh tranh Liên bang Áo – FCA, Viện Công tố Cartel Liên bang, trực thuộc Bộ Tư pháp Áo, được thành lập vào tháng 7 năm 2002 cũng hoạt động với tư cách là một cơ quan độc lập khác. Viện Công tố Cartel Liên bang được bổ nhiệm để đại diện cho lợi ích công cộng trong các vụ việc cạnh tranh. Cả Đạo luật Cạnh tranh và Đạo luật Cartel Liên bang Áo đều quy định sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, đặc biệt là trong lĩnh vực kiểm soát TTKT.
Theo cổng TTĐT Bộ Công thương