Hãng Canon sẽ mua lại nhà sản xuất chip Canada Redlen Technologies với giá khoảng 30 tỷ yên (270 triệu USD), đáp ứng nhu cầu phát triển chip cung cấp năng lượng cho thế hệ máy quét CT mới theo kế hoạch chuyển trọng tâm của hãng khỏi máy ảnh và thiết bị văn phòng.
Bình thường khi chụp CT, máy sẽ chiếu tia X-quang vào cơ thể. Máy lưu lại hình ảnh được chụp bằng cách phát hiện số lượng tia X đi qua từng bộ phận của cơ thể. Redlen đang phát triển công nghệ máy dò đếm photon sử dụng chip của riêng mình. Công nghệ này chuyển đổi trực tiếp bức xạ thành tín hiệu điện, cho phép giảm tiếp xúc với bức xạ trong quá trình quét.
Canon đặt mục tiêu tận dụng công nghệ xử lý hình ảnh của riêng mình để giảm lượng bức xạ phơi nhiễm xuống 1/10 mức hiện tại. Công ty dự định sẽ bắt đầu nghiên cứu với sự hợp tác của Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản vào đầu năm tới và đang tìm cách thương mại hóa các máy quét CT thế hệ mới vào năm 2025, với mục tiêu bán các sản phẩm này với giá tương đương với các sản phẩm hiện tại. Canon dự định cung cấp các bộ phận cốt lõi của máy quét CT cho các công ty khác. Điểm khác biệt chính với các máy quét khác nằm ở công nghệ và phần mềm xử lý hình ảnh.
Phát triển máy quét CT mới là một phần trong chiến lược của Canon nhằm đưa sản phẩm thiết bị y tế trở thành trụ cột doanh thu chính, chuyển hướng khỏi máy ảnh và thiết bị văn phòng. Canon hiện kiểm soát khoảng 20% thị trường máy quét CT toàn cầu. Công ty đang nuôi hy vọng sẽ mở rộng thị trường này bằng cách sử dụng thiết bị giảm bức xạ của mình và đối đầu với các doanh nghiệp đầu ngành như General Electric và Siemens.
Trong năm tài chính 2020, các mảng kinh doanh y tế của Canon chiếm khoảng 430 tỷ yên trong tổng doanh thu hợp nhất của công ty là 3,16 nghìn tỷ yên. Canon dự định nâng mức đóng góp của ngành y tế lên 600 tỷ yên trong 5 năm tới.
Các máy dò của Redlen chuyển đổi trực tiếp bức xạ thành tín hiệu điện khác với các máy dò khác chuyển bức xạ thành ánh sáng trước khi chuyển thành tín hiệu điện, giảm thiểu nguy cơ bị mất thông tin. Thông thường, máy quét CT tạo ra hình ảnh đen trắng. Máy quét mới của Canon hứa hẹn cho hình ảnh màu sắc, chi tiết hơn. Điều này có thể giúp bác sĩ xác định điểm chảy máu dễ dàng hơn.
Canon cho biết máy quét của họ cũng sẽ giúp dễ dàng xác định xem một khối u có phải là ung thư hay không. Trong ngành y tế, ngành sản xuất máy quét CT phải đối mặt với sự cạnh tranh từ thiết bị MRI, thiết bị sử dụng lực từ và sóng vô tuyến để chụp ảnh não. Mặc dù thiết bị MRI đắt hơn so với máy quét CT, nhưng lại vượt trội hơn về một số mặt: máy MRI không khiến bệnh nhân tiếp xúc với bức xạ và cung cấp hình ảnh chính xác hơn so với máy quét CT.
Theo Nikkei Asia