Luật Thực phẩm chung (EC) 178/2002, quy định các nền tảng pháp lý cho vấn đề an toàn thực phẩm của EU, là văn bản khung quy định tất cả các nguyên tắc chung, bao gồm cả nguyên tắc phòng ngừa, các yêu cầu và thủ tục liên quan đến an toàn thực phẩm, và quản lý khủng hoảng.
Bên cạnh các quy định chính nêu trên, cơ sở pháp lý cho an toàn thực phẩm còn được điều chỉnh bởi các quy định về các ngưỡng an toàn cho phép, đó là:
- Quy định (EC) 1881/2006 về hàm lượng tối đa chất ô nhiễm trong thực phẩm được ban hành năm 2006 và cập nhật năm 2020;
- Quy định (EC) 396/2005 về ngưỡng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên thực phẩm và thức ăn gia súc có nguồn gốc từ động thực vật được ban hành năm 2005 và cập nhật năm 2021;
- Quy định (EC) 2073/2005 về các chỉ tiêu vi sinh vật cho thực phẩm được ban hành năm 2005 và cập nhật năm 2020.
Cà phê nhập khẩu vào khu vực Bắc Âu bắt buộc phải tuân theo các yêu cầu và qui định chung của Liên minh châu Âu đối với thực phẩm.
Mặt hàng cà phê cần lưu ý nhất là truy xuất nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần chú ý đặc biệt đến các nguồn gây ô nhiễm cụ thể, trong đó phổ biến nhất là thuốc trừ sâu (dư lượng tối đa MRLs đối với mỗi loại thuốc trừ sâu), độc tố nấm (nấm), salmonella (nguy cơ thấp đối với cà phê).
Truy xuất nguồn gốc
Do sự gia tăng lo ngại về an toàn và sức khỏe người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc về cơ bản là một yêu cầu đặt ra đối với các nhà nhập khẩu Bắc Âu và các nhà xuất khẩu Việt Nam về cà phê nhân hoặc cà phê đã chế biến (tức là rang xay hoặc hòa tan). Theo đó, cà phê và các sản phẩm cà phê phải được theo dõi trong suốt toàn bộ chuỗi cung ứng để đảm bảo an toàn thực phẩm, cho phép hành động thích hợp trong trường hợp thực phẩm không an toàn và hạn chế nguy cơ nhiễm độc.
Một lý do khác cho yêu cầu truy xuất nguồn gốc là nhà nhập khẩu, nhà rang xay và người tiêu dùng muốn biết chính xác quá trình, cách thức sản xuất cà phê, cũng như các khía cạnh khác như điều kiện xã hội, môi trường và kinh tế. Nói cách khác: việc sản xuất cà phê trong toàn bộ chuỗi giá trị có bền vững không?
Vì vậy, có một hệ thống truy xuất nguồn gốc là lợi thế tạo sự tin cậy cho khách hàng và ổn định thị phần.
Chất ô nhiễm:
Chính sách an toàn thực phẩm của EU đã đặt ra các mức tối đa đối với một số chất gây ô nhiễm trong các sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm cụ thể.
Một số nghiên cứu cho thấy hạt cà phê có khuyết tật bị ô nhiễm nhiều hơn. Hạt bị côn trùng phá hại (sâu đục quả cà phê, bọ xít hút máu hoặc ruồi đục quả) hoặc do các loại nấm khác tấn công, đóng một vai trò trong việc làm ô nhiễm cà phê. Việc loại bỏ những hạt bị hỏng này sẽ làm giảm đáng kể sự ô nhiễm ochratoxin A.
Do lo ngại về sức khỏe người tiêu dùng và an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng châu Âu giảm thiểu rủi ro bằng cách thiết lập mức tối đa các chất độc để kiểm soát mối nguy hiểm vi sinh và hóa học trong các chuỗi cung ứng và, do đó, giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng. Cà phê không được xuất khẩu sang các thị trường châu Âu nói chung và thị trường Bắc Âu nói riêng nếu các chất ô nhiễm vượt mức cho phép.
Danh mục mức tối đa của các chất ô nhiễm trên từng loại sản phẩm có sẵn trên cổng Export Helpdesk. Hiện nay, các loại chất độc sau đã được kiểm tra và phải tính đến (Quy định EC số 1881/2006):
- Độc tố nấm, thường được coi là độc hơn cả thuốc trừ sâu, (Aflatoxin, Ochratoxin A, độc tố nấm Fusarium, Patulin) có nguồn gốc từ nấm mốc;
- Poly-thơm hydrocarbon (PAH) (chỉ liên quan đến cà phê rang, có thể do hạt cà phê tiếp xúc trực tiếp với khói, ví dụ do mấy sấy chất lượng kém chẳng hạn);
- Dung môi để khử caffeine, ví dụ methyl acetate (20mg/kg trong cà phê), diclometan (2mg/kg trong cà phê rang) và ethylmethylketone (20 mg/kg trong cà phê);
- Ochratoxin A (OTA) được đặt ra cho cà phê và các giới hạn này khác nhau tùy thuộc vào việc cà phê được rang hay hòa tan (cà phê Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu trước đây thường hay vượt mức);
- Hydrocarbon contamination – thường do túi đay cà phê vì ‘dầu trộn’ được sử dụng để làm mềm các sợi đay trước khi dệt;
- Kim loại nặng (hiếm và thường liên quan đến cà phê trồng trên đất núi lửa).
Tham khảo thêm các quy định cụ thể của EU đối với một số chất gây ô nhiễm:
- Nitrat: Quy định (EC) 1882/2006;
- Độc tố nấm mốc: Quy định (EC) 401/2006;
- Dioxins: Quy định (EU) 2017/644;
- Kim loại nặng, thiếc, 3-MCPD và Benzo (a) Pyrene: Quy định (EC) 333/2007;
- Axit erucic: Quy định (EU) 2015/705.
Thuốc trừ sâu:
Vì ba lý do cụ thể dưới đây, các nước EU muốn giảm thiểu các mối nguy hiểm của thuốc trừ sâu bằng cách thiết lập mức tối đa của dư lượng (MLRS) thuốc trừ sâu:
- Những quan ngại về sức khỏe của người dân, trẻ em và người tiêu dùng;
- Nhiễm độc nguồn nước;
- Mất đa dạng sinh học.
Quy định (EC) 1107/2009 đặt ra các quy tắc cấp phép cho các sản phẩm bảo vệ thực vật (PPP hay còn gọi là thuốc trừ sâu). Chỉ PPP có chứa các hoạt chất trong danh sách các hoạt chất được phê duyệt như trong quy định (EU) 540/2011 mới được phép sử dụng tại EU. Trước đây, bất kỳ PPP nào cũng có thể đưa vào thị trường hoặc sử dụng, nhưng bây giờ phải được các nước thành viên liên quan cho phép. Khi một nước thành viên cho phép PPP nào thì PPP đó sẽ được công nhận và cho phép sử dụng trong toàn EU. Mức dư lượng tối đa (MRLs) cho các chất không có trong danh sách được phép của EU sẽ được đặt ở mức mặc định 0,01 mg/kg.
Chỉ thị (EC) 2009/128 về việc sử dụng thuốc trừ sâu bền vững cũng là một phần trong các quy định về thuốc trừ sâu.
Cơ sở dữ liệu về thuốc trừ sâu EU cung cấp tổng quan về MRLs (mức dư lượng tối đa) được cho phép trong hạt cà phê. Cà phê có chứa thuốc trừ sâu nhiều hơn mức cho phép sẽ không được vào thị trường EU.
Theo TCCT