Gần 10 nghìn doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long tạm dừng kinh doanh, giải thể

Doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long… “chết lâm sàng” -0

Doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long… “chết lâm sàng” -0

Chỉ trong 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 8, đã có gần 10 nghìn doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long rút khỏi thị trường (tạm dừng kinh doanh, ngừng hoạt động và giải thể). Trong quý II, có 40 đến 45% đơn hàng không thực hiện được và chỉ 50% doanh nghiệp thực hiện được 50 đến 70% kế hoạch kinh doanh.
Thông tin đáng chú ý trên được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến “Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tổ chức sáng 31/8.

“Đóng băng” hoạt động kinh tế

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ cho biết, chỉ sau 2 tháng bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, đồng bằng sông Cửu Long đã bị tổn thất nặng nề. Tính đến hôm nay, 13 tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long có hơn 60 nghìn ca nhiễm Covid-19. Mặc dù không nhiều ca nhiễm nặng như TP Hồ Chí Minh hay Bình Dương nhưng đã làm ngưng toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong vùng.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, trong 19 tỉnh, thành phố phía nam áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thì đồng bằng sông Cửu Long bị tê liệt, đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu nguồn nguyên liệu chính là từ nội vùng. Giãn cách làm cho các doanh nghiệp không thể tìm nguồn nguyên liệu, thiếu hụt, quy định về lao động khó khăn, vận tải, giao nhận, kho bãi và xuất hàng. Có thể nói những khó khăn tựu chung điểm giống nhau là do giãn cách xã hội. Nhưng khác là đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại lớn hơn do ngành chủ lực là chế biến, nguyên liệu không thể lưu trữ hay bảo quản lâu được.

“Thí dụ như cá, tôm và trái cây phải thu hoạch, không thì hao tốn chi phí rất lớn, thu hoạch để đâu, bảo quản tồn trữ như thế nào. Không chỉ trước mắt là không có nguyên vật liệu sản xuất, chế biến mà hệ quả trong thời gian tới, sẽ không còn nguồn nguyên liệu cung ứng do nông dân, trang trại đã không còn hoạt động nhiều”, ông Nguyễn Phương Lam phân tích.

Ghi nhận ban đầu của VCCI Cần Thơ cho thấy, chỉ trong 3 tháng, tức là từ tháng 6 đến tháng 8/2021 đồng bằng sông Cửu Long đã có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường (tạm dừng kinh doanh, ngừng hoạt động và giải thể), tương đương 20% doanh nghiệp hiện có đã biến mất.

“Doanh thu trong quý II của hầu hết doanh nghiệp đều giảm sút vì có từ 40 đến 45% đơn hàng không thực hiện. Chỉ 50% doanh nghiệp thực hiện được 50 đến 70% kế hoạch kinh doanh. Trong tháng 8, hầu hết các hoạt động xuất khẩu ngưng trệ, chỉ xuất khẩu nhỏ giọt như gạo và thủy sản”, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ nói.

Ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, doanh nghiệp gặp khó khăn lớn nhất trong việc lưu thông hàng hóa do toàn bộ các tỉnh phía nam đều giãn cách xã hội. Một số địa phương còn đặt thêm điều kiện, quy định riêng khiến hoạt động vận tải gặp khó khăn gây ách tắc lưu thông. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí vận chuyển tăng gấp 2 đến 3 lần bình thường. Trong khi hàng triệu tấn lúa của đồng bằng ùn ứ, thì nhiều tàu nước ngoài vẫn nằm ở phao số 0 để chờ hàng.

“Cách đây ít ngày, có đến 8 Hiệp hội phải gửi đơn cầu cứu Thủ tướng và Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các tỉnh, thành phố không được đặt thêm các điều kiện, quy định khác trong lưu thông. Đến thời điểm này, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã phát ngôn rất đúng là “hàng hóa nào cũng là hàng hóa thiết yếu”, ông Trần Khắc Tâm nói.

Cũng theo ông Trần Khắc Tâm, dự kiến thời gian tới, có khả năng hàng chục nghìn doanh nghiệp phải tiếp tục rời thị trường. Với tình hình hiện tại, dự báo ít nhất đến giữa quý IV/2021, doanh nghiệp sẽ vẫn còn khó khăn.

Nên xem xét lại mô hình “3 tại chỗ” 

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI tại Cần Thơ cho biết, qua khảo sát tình hình kinh doanh quý III/2021 cho thấy: 40% doanh nghiệp cho rằng doanh thu suy giảm, 40 % doanh nghiệp tin rằng tình hình tiếp cận nguồn nguyên liệu sẽ kém đi; 23% doanh nghiệp có niềm tin sẽ được ngân hàng tiếp tục hợp tác tích cực hơn. Trong khi đó, cũng có 40% doanh nghiệp tiếp tục bi quan về tình hình việc làm cho người lao động, 40% doanh nghiệp tin tưởng sẽ có thể tìm kiếm giải pháp để giữ vững nhu cầu cung ứng việc làm cho người lao động trong thời gian khó khăn này và 28% doanh nghiệp khẳng định tiếp tục tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào kinh doanh.

Theo bà Võ Thị Thu Hương, ngành chế biến thủy hải sản, nông sản đổ vỡ trong chuỗi giá trị khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ”. Nguyên nhân là do năng lực tài chính của doanh nghiệp và sức ép tâm lý của người lao động. Trong thời gian ngắn nhưng địa phương ban hành quá nhiều chính sách gây biến động quá lớn.

Còn ông Trần Khắc Tâm cho rằng, việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” trong thời gian dài gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, chỉ sản xuất 20 đến 30% công suất.

“Doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ để duy trì sản xuất, giữ đơn hàng nhưng có một số doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì. Đề nghị Chính phủ có chỉ đạo thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng tốt để tạo đòn bẩy mạnh mẽ khi hoạt động sản xuất kinh doanh mở lại”, ông Trần Khắc Tâm nêu kiến nghị của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phương Lam nói rằng, mô hình “3 tại chỗ” nên xem xét lại vì không còn phù hợp. Doanh nghiệp kiến nghị cho phép doanh nghiệp thực hiện “2 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ và ăn uống tại chỗ.

“Hết giờ làm việc người lao động được về nhà nghỉ ngơi. Trong quá trình người lao động đi làm và về được phép sử dụng giấy cam kết có ghi rõ lộ trình di chuyển và cam kết không dừng, đỗ dọc đường. Đồng thời, ưu tiên tiêm ngừa vaccine Covid-19 cho người lao động sản xuất theo mô hình để bảo đảm sản xuất liên tục, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, tạo tâm lý an tâm cho người lao động”, ông Nguyễn Phương Lam nêu.

Theo Nhân Dân

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo