Để việc phát hành thuận lợi, nhiều DN sử dụng “chiêu’ lãi suất cao, trung bình ở mức gấp 1,5 lần, thậm chí gấp 2 lần lãi suất huy động của ngân hàng.Tại buổi Đối thoại với chủ đề “Cá nhân đầu tư trái phiếu DN: Nhận diện và ứng xử với rủi ro” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 30/8, các chuyên gia nhận định: Thời gian vừa qua, việc phát hành trái phiếu DN chủ yếu thông qua hình thức phát hành riêng lẻ, tỉ lệ phát hành ra công chúng rất nhỏ.

Điều đáng lo ngại là nhiều nhà đầu tư mới bị hấp dẫn bởi lãi suất cao. Công cụ duy nhất để các nhà đầu tư nhận diện chất lượng trái phiếu cũng như năng lực trả nợ của DN là bản cáo bạch phát hành trái phiếu (OC), nhưng quy định hiện hành không bắt buộc phải qua xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm hay bảo lãnh thanh toán.

Theo các chuyên gia, chất lượng của bản cáo bạch này vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nhà tư vấn phát hành. Cụ thể, nếu nhà tư vấn trách nhiệm thì DN phát hành phải công bố các thông tin vô cùng chi tiết. Ngược lại, có nhà tư vấn sơ sài, yêu cầu DN chỉ cần công bố rất ít số liệu, đẩy rủi ro cho nhà đầu tư.

Nhằm siết lại thị trường, năm 2020, các cơ quan quản lý đã ban hành một loạt chính sách quy định rõ việc chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ. Các quy định mới phần nào đã cảnh báo cho tổ chức tư vấn phải cung cấp thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư để họ có căn cứ ra quyết định, góp phần giúp thị trường lọc bớt sản phẩm rác và ngăn nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ tham gia.

Số liệu thống kê từ Bộ Tài chính cho biết, nửa đầu năm 2021, số lượng trái phiếu phát hành ra công chúng tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Đồng thời, tỉ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu DN phát hành riêng lẻ trên thị trường sơ cấp đã giảm một nửa so với cùng kỳ, chỉ đạt 5,7% tổng khối lượng đã phát hành (cùng kỳ 12,68%).

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc cơ quan quản lý bảo vệ nhà đầu tư là rất cần thiết, tất cả những đối tượng yếu thế, những đối tượng nhỏ lẻ đều cần được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh, mặc dù đã được bảo vệ tốt hơn quãng thời gian trước nhưng rủi ro vẫn bủa vây nhà đầu tư cá nhân. Bởi lẽ, trái phiếu DN không phải lãi suất tiết kiệm, người dân muốn an toàn thì gửi ngân hàng, muốn lãi cao thì mua trái phiếu DN, đương nhiên lãi suất cao thì rủi ro cao.

Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng cơ hội và rủi ro là 2 yếu tố luôn song hành. Theo đó, dù nhà điều hành có hạn chế đối tượng tham gia thị trường, tức hạn chế nhu cầu nhưng với bối cảnh rủi ro gia tăng vì dịch thì lãi suất trái phiếu cao vẫn được nhà đầu tư đón nhận. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trái phiếu vẫn phát hành đều nhờ lãi suất, trong khi hàng chục nghìn DN buộc lòng phải rời bỏ thị trường. Nếu từ giờ đến cuối năm, tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn, con số này có thể lên tới 100.000 DN. Chuyên gia bày tỏ lo ngại không ai dám chắc rằng trong số đó không có những DN đã phát hành trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu bất động sản.

“Trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn bởi dịch, đây không phải lúc nhà đầu tư cá nhân bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.

Còn  theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, hiện có rất nhiều cơ hội đầu tư như bỏ tiền ra mua trái phiếu, gửi tiền tiết kiệm, mua vàng, mua bất động sản… Không một kênh đầu tư nào, sản phẩm đầu tư nào chỉ có lợi nhuận mà không có rủi ro. Thường các công ty tư vấn sẽ giúp nhà đầu tư phân tán rủi ro vào nhiều kênh đầu tư khác nhau. Nhà đầu tư có thể chọn các DN đã có uy tín, thương hiệu, hoạt động trên thị trường trong một thời gian dài. Về phương thức phát hành nên chọn trái phiếu phát hành công chúng, thậm chí có xếp hạng tín nhiệm thì càng tốt.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, phân tích, hiện có nhiều trái phiếu DN được ngân hàng bảo lãnh thanh toán hoặc ngân hàng quản lý tài sản bảo đảm. Bản thân ngân hàng là các tổ chức tài chính chuyên nghiệp, họ đã đồng ý bảo lãnh như vậy có nghĩa trái phiếu đó có mức độ an toàn cao.

Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Quỳnh lưu ý, nếu tìm một trái phiếu vừa phù hợp với khẩu vị rủi ro, điều kiện tài chính, kỳ vọng lãi suất của nhà đầu tư cá nhân thì câu chuyện sẽ phải rẽ sang hướng khác. Những trái phiếu của DN chưa có tên tuổi, chưa có thương hiệu và chỉ được bảo lãnh phát hành thì các nhà tư vấn tài chính thường xếp vào loại có mức độ rủi ro tương đối cao, do đó, mức lãi suất mới đạt 12-13%/năm.

Các chuyên gia cho rằng, thực tế, hiện có nhiều DN vì không có xếp hạng tín nhiệm, nên dù bản chất, năng lực và uy tín khác hẳn nhau nhưng lãi suất phát hành tương tự nhau trên thị trường, khiến cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp như công ty chứng khoán đều gặp khó khăn trong quá trình đánh giá.

Các chuyên gia đánh giá cao việc các DN Việt Nam bắt đầu chủ động xếp hạng tín nhiệm chính DN của mình, để tăng tính minh bạch và khách quan về chất lượng, hiệu quả hoạt động của DN với thị trường nói chung và các nhà đầu tư nói riêng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xếp hạng tín nhiệm không phải là “cây đũa thần toàn năng”, kể cả các thị trường tài chính lớn trên toàn cầu như Mỹ, vẫn có những khủng hoảng xếp hạng tín nhiệm. Mô hình các công ty xếp hạng tín nhiệm không phải là phương pháp hoàn hảo, tuyệt đối an toàn cho tất cả thị trường tài chính và cho nhà đầu tư, mà chỉ là biện pháp, công cụ mang tính bổ trợ. Các chuyên gia cho rằng, thị trường cần các giải pháp mang tính toàn diện khác, trong đó, có chính sách, khung khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng, sự tuân thủ và tính nghiêm túc, trách nhiệm, chuyên nghiệp của các DN và của các nhà phát hành. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức và hiểu biết của nhà đầu tư, hơn ai hết, họ phải là người chịu trách nhiệm kiểm soát rủi ro cho các khoản đầu tư.

Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: “Các tổ chức tài chính tham gia vào thị trường như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, tôi đề nghị phải là người tuân thủ pháp luật trước tiên. Đồng thời, các tổ chức trên phải cung cấp thông tin cho nhà đầu tư một cách chuẩn xác, không để họ nhầm lẫn hay hỗ trợ nhà đầu tư nhỏ lẻ nghiệp dư trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu bằng mọi giá”.

Ông Nguyễn Hoàng Dương cũng cho biết, hành vi vi phạm quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đã quy định rõ ràng, nếu các tổ chức tài chính lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua chứng khoán chào bán, phát hành riêng lẻ không đúng đối tượng theo quy định pháp luật, không lưu giữ tài liệu về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua chứng khoán chào bán, phát hành riêng lẻ theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng.

Đối với tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu DN riêng lẻ, không bảo đảm việc chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật, không bảo đảm các thông tin trong hồ sơ chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, trung thực, có thể kiểm chứng được, không gây hiểu nhầm và có đầy đủ những nội dung có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư; không rà soát đối tượng tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào công tác phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường thứ cấp cho cả trái phiếu DN phát hành ra công chúng và cả trái phiếu DN phát hành riêng lẻ. Bộ Tài chính cũng khuyến khích tạo điều kiện cho nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp như quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ hưu trí để cung cấp sản phẩm đầu tư cho nhà đầu tư, tạo ra sản phẩm đầu tư mới cho nhà đầu tư cá nhân tham gia”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.