Tập đoàn công nghệ Hàn Quốc Samsung hôm 24/8 cho biết, khoản đầu tư đến năm 2023 sẽ giúp củng cố vị thế toàn cầu của tập đoàn trong các ngành công nghiệp then chốt như sản xuất chip, đồng thời cho phép tập đoàn tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong các lĩnh vực mới như robot và viễn thông thế hệ tiếp theo.
Samsung Electronics, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, cho biết tập đoàn có kế hoạch củng cố công nghệ và vị trí dẫn đầu thị trường thông qua việc mua bán và sáp nhập. Công ty hiện không cung cấp bảng phân tích các số liệu đầu tư.
Công ty không cho biết liệu con số đầu tư mới nhất có bao gồm 17 tỷ USD mà họ được cho là đã chi cho một nhà máy sản xuất chip theo hợp đồng chip mới của Mỹ hay không. Kế hoạch này lớn hơn 30% so với chiến lược ba năm trước đó của Samsung được đưa ra vào năm 2018. Tập đoàn quyết định tăng cường đầu tư để giữ vị trí dẫn đầu về công nghệ, đặc biệt là trong những “tình huống khẩn cấp” trong và ngoài nước.
“Ngành công nghiệp chip là lớp bảo vệ an toàn của nền kinh tế Hàn Quốc … Đầu tư của chúng tôi là một chiến lược sống còn”, Samsung Electronics cho biết trong một tuyên bố.
Các đối thủ hiện nay của Samsung trong lĩnh vực chip bao gồm Taiwan Semiconductor Manufacturing Co Ltd và Intel Corp đang đầu tư lớn trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu và cạnh tranh ngày càng gay gắt trong phân khúc chip tiên tiến.
Tuy nhiên, hiện nay theo thông tin từ hãng phân tích IC Insights cho biết, trong quý 2/2021, Samsung đã trở thành nhà cung cấp sản phẩm bán dẫn lớn nhất thế giới, vượt qua công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này trước đó là Intel.
Samsung đạt được điều này không chỉ nhờ mức tăng ấn tượng 10% chỉ trong một quý mà còn vì sự trì trệ trong hiệu suất bán dẫn của Intel. Các vị trí còn lại trong Top 5 không thay đổi khi TSMC ở vị trí thứ ba, thứ tư thuộc về SK hynix và thứ năm thuộc về Micron. Đáng chú ý là SK hynix và Micron cũng có mức tăng trưởng đáng kể trong quý 2, nhưng điều này không đủ để thay đổi vị trí của họ trong bảng xếp hạng.
Chìa khóa chiến thắng của Samsung là doanh số bán hàng tăng 19% do nhu cầu về RAM và bộ nhớ trong ngày càng tăng. Cùng với nhu cầu, giá mô-đun bộ nhớ cũng tăng, điều này có ảnh hưởng tích cực đến kết quả tài chính của Samsung. Theo dự báo của các nhà phân tích, nhu cầu về mô-đun bộ nhớ trong quý 3 có thể tăng trưởng thêm 10% và làm tăng doanh thu của công ty Hàn Quốc.
Được biết, tổng doanh thu sản phẩm bán dẫn của 10 nhà cung cấp lớn nhất thế giới trong quý 2 đạt khoảng 95,5 tỉ USD, toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn đã tăng trưởng 8% trong giai đoạn này. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng của Intel, TSMC, Qualcomm và Broadcom dưới mức trung bình của ngành.
Theo Ủy ban Thương mại Công bằng của Hàn Quốc, Tập đoàn Samsung có 59 chi nhánh với tổng tài sản 457 nghìn tỷ won, Kế hoạch đầu tư được đưa ra chỉ hơn một tuần kể từ khi lãnh đạo Tập đoàn Samsung, Jay Y. Lee, được ân xá sau khi bị kết tội hối lộ và tham ô.
Theo VCCI