Hai động thái liên tiếp của Boeing tại Đông Nam Á cho thấy một phần bước đi chiến lược của “gã khổng lồ” hàng không vũ trụ tại khu vực đang phát triển nhanh nhất thế giới.
Theo tin tức từ trang chủ của Boeing cho biết, họ đã bổ nhiệm nhà cựu ngoại giao và lãnh đạo thương mại, Alexander Feldman làm chủ tịch mới của Boeing Đông Nam Á. Ông sẽ kế nhiệm Ralph ‘Skip’ Boyce, người sắp nghỉ hưu sau hơn 13 năm làm việc cho Boeing ở Singapore.
Alexander Feldman từng phục vụ trong chính quyền của cả hai cha con Tổng thống Mỹ, Tổng thống George HW Bush và Tổng thống George W. Bush, với các vai trò cấp cao trong Bộ Ngoại giao và Thương mại Mỹ. Sau đó, ông đã lãnh đạo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC) trong hơn 12 năm với tư cách là chủ tịch và giám đốc điều hành, trước khi đảm nhận vai trò chủ tịch trong giai đoạn 2020-2021.
Cùng với việc bổ nhiệm Feldman, Boeing cũng đang cho thấy một dấn ấn mới trong chiến lược mở rộng với việc thành lập văn phòng ở Việt Nam và Indonesia, đồng thời thành lập PT Boeing Indonesia và Công ty TNHH Boeing Việt Nam.
Động thái này diễn ra đúng vào thời điểm hai quốc gia của Đông Nam Á đang gia tăng những mối quan tâm đối với các sản phẩm của Boeing chẳng hạn như máy bay không người lái ScanEagle. Mới đây, Indonesia cũng nêu rõ ý định mua các sản phẩm quốc phòng khác của Boeing, như F-15EX, CH-47 Chinook và V-22 Osprey.
Và với số lượng 115 máy bay Boeing đang được sử dụng giữa hai nước, cùng hơn 500 chiếc đang được đặt hàng, theo Aviation Week Intelligence Network Fleet and Data Services, Việt Nam và Indonesia đang là hai thị trường đầy tiềm năng của Boeing trong tương lai.
Ngày nay, Boeing tiếp tục đầu tư vào Đông Nam Á, nơi vẫn là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất. Họ đang có một sự kỳ vọng lớn vào nhu cầu của khu vực trong tương lai đối với các loại máy bay thương mại của mình.
Theo một dự báo triển vọng thị trường của Boeing về Đông Nam Á cho thấy, khu vực này có thể có nhu cầu đến 4.210 máy bay mới trị giá 650 tỷ USD trong hai thập kỷ tới. Khu vực này cũng dự kiến sẽ tạo ra mức tăng trưởng giao thông hàng năm ở mức 6,2%, vượt xa tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 1,5%.
Cũng theo một báo cáo của công ty, tăng trưởng công suất chỗ ngồi của Việt Nam là khoảng 15% trong thập kỷ qua, trong khi Indonesia ghi nhận mức tăng công suất dưới 10% một chút. Tăng trưởng du lịch hàng không của Đông Nam Á được cho là sẽ ở mức 7,1% trong hai thập kỷ tới, vượt xa so với mức 2,8% của châu Âu.
Chẳng thế mà Randy Tinseth, phó chủ tịch tiếp thị của Boeing Commercial Airplanes, đã từng phát biểu: “Đó là một thị trường mạnh mẽ đang phát triển với tốc độ rất, rất nhanh. Có nhiều cơ hội lớn, và rõ ràng, có rất nhiều hoạt động xung quanh các hãng hàng không giá rẻ ở đó. Như bạn cũng có thể thấy, chúng tôi bắt đầu thấy ngày càng có nhiều sự quan tâm đến việc bay đường dài”.
Trong khi đó, Rahul Kapoor, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence tại Singapore, cũng cho rằng: “Có một thị trường rộng lớn ở đó. Trong khi các hãng hàng không đang tìm kiếm sự cân bằng giữa tăng trưởng và lợi nhuận, “thâm nhập” là tên trò chơi của các nhà sản xuất máy bay ngay bây giờ. Đó là những gì họ sẽ làm trong 5 đến 7 năm tới”.
Cuối cùng, dường như Boeing đang có một niềm tin ở nơi đây khi đã từng đánh giá rất cao khu vực này. Họ cho rằng, với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, trong một thị trường tiếp tục tự do hóa, cùng với ngành du lịch trong nước, khu vực và quốc tế phát triển mạnh mẽ, Đông Nam Á đã trở thành một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới.
Riêng ở Việt Nam, đã có sự hiện diện của nhiều dòng máy bay Boeing. Và có một điều rất dễ nhận thấy là Boeing rất coi trọng mối quan hệ hợp tác trong phát triển công nghệ với các đối tác và các khách hàng tại Việt Nam. Đây cũng là một phần trong định hướng của hãng để cùng hướng tới một ngành hàng không sáng tạo, bền vững và hiệu quả.
Theo DĐDN